Chưa bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá
Chiều 14-7, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa. Bởi lẽ, việc này sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; tạo sự công khai, minh bạch về giá SGK. Đồng thời, khắc phục được những điểm yếu của việc kê khai giá SGK hiện nay... Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận sách với giá hợp lý, phụ huynh và học sinh yên tâm, tin tưởng trong việc lựa chọn SGK...
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí với sự cần thiết bổ sung danh mục của mặt hàng SGK. Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho rằng, hiện nay SGK là một trong những vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu của học sinh các cấp học, có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Theo quy định hiện hành, SGK không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá; theo đó, thẩm quyền quyết định giá SGK thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua, giá SGK ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua SGK của phụ huynh và học sinh. Do đó, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá SGK chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến nhất trí về thẩm quyền của Chính phủ trình UBTVQH bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, để kịp thời phục vụ nhiệm vụ năm học mới, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang tác động lớn đến hoạt động của ngành giáo dục, thu nhập của người dân...
Tuy nhiên, tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì việc Chính phủ trình UBTVQH để bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, sản phẩm SGK không thuộc diện hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Giá...
Vì vậy, UBTVQH không có thẩm quyền bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa như Tờ trình của Chính phủ. Trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá.
Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, UBTVQH sẽ không quyết định việc không đúng thẩm quyền. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để sửa Luật Giá hoặc bằng Nghị quyết của Quốc hội đưa mặt hàng SGK vào danh mục hàng hóa mà Nhà nước được định giá khung tối đa, để chuẩn bị cho năm học sau. Đối với năm học này, sẽ áp dụng theo giá đã thẩm định; riêng những trường hợp khó khăn, đối tượng chính sách thì đã có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, UBTVQH đã thảo luận rất kỹ lưỡng và thấy rằng hiện nay vấn đề cấp bách đặt ra là bộ sách lớp 1 đã in ấn, đã chọn và thực tế có nhiều gia đình đã bắt đầu mua và mức độ ảnh hưởng đối với bộ sách lớp 1 thì không lớn lắm. Mặt khác, sách giáo khoa không phải là mặt hàng mà Nhà nước định giá theo quy định của Luật Giá. Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát lại để có cái nhìn căn cơ, tổng thể, hoàn chỉnh lại hồ sơ. Trên cơ sở đó, nếu thấy rằng vấn đề này là cần thiết, cấp bách thì phải đánh giá và báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết hoặc phải sửa lại Luật Giá.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đây là vấn đề cần hết sức thận trọng, trong khi lại chưa có đánh giá tác động. Vì vậy, UBTVQH trả lại hồ sơ để cho Chính phủ nghiên cứu kỹ hơn.
* Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ 46.
Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 2 ngày làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm, UBTVQH đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra tại Phiên họp thứ 46.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp này, các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để tiếp tục thực hiện những kết luận của UBTVQH. Đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trên cơ sở kết quả Kỳ họp thứ 9, tiếp tục tinh thần chuẩn bị Kỳ họp tiếp theo, nhất là việc chủ động chuẩn bị các dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10 tới đây.
Trước đó, trong phiên họp sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10. Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Kỳ họp tiếp tục được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và tập trung. Trong đó, đợt 1 họp trực tuyến 9 ngày. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 18 ngày, mỗi đợt diễn ra trong 9 ngày. Văn phòng Quốc hội sẽ nâng cấp các phần mềm phục vụ đại biểu Quốc hội để bổ sung tính năng đăng ký tranh luận, tạo thuận tiện, công khai, minh bạch...