Chữa bỏng bằng... nhớt

Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ (từ tháng 4-1972 đến tháng 1-1973), y sĩ Nguyễn Thế Truyền được điều về miền Đông Nam Bộ phụ trách đội phẫu thuộc Đoàn 230, Cục Hậu cần Miền. Và ông đã có sáng kiến dùng nhớt AK bôi xung quanh vết thương ngăn côn trùng và vi khuẩn xâm lấn, giúp vết thương của thương binh nhanh hồi phục.

Thời điểm này, Mỹ-ngụy tăng cường dùng bom napalm, bom phát quang nên bộ đội ta bị bỏng nặng rất nhiều. Toàn đội phẫu của Đoàn 230 hồi đó đóng quân bên bờ sông Serepok có 7 người vừa làm phẫu thuật, chữa trị kiêm cả công tác hộ lý. Ai cũng làm việc không kể ngày đêm để cứu chữa thương binh, bệnh binh. Trong chiến tranh, điều kiện chữa trị thiếu thốn, các vết thương do bỏng ngày càng lan rộng trên cơ thể thương binh. Không đủ thuốc, đội phẫu buộc lòng phải cắt bỏ những phần bị hoại tử trên cơ thể thương binh để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan gây nhiễm trùng sâu khiến vết thương lan rộng, nặng thêm. Là đội trưởng, y sĩ Nguyễn Thế Truyền chứng kiến đồng đội bị cơn đau hành hạ mà trào nước mắt. Ông luôn day dứt khi chưa thể tìm ra cách cứu chữa, giảm thương tật cho họ.

 Y sĩ Nguyễn Thế Truyền (đứng ngoài cùng, bên phải) ngày ở chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp

Y sĩ Nguyễn Thế Truyền (đứng ngoài cùng, bên phải) ngày ở chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp

Một lần, thấy chiến sĩ lái xe pha nhớt làm mát động cơ, ông Truyền chợt nghĩ: Nhớt làm mát máy xe, và do thành phần hóa học (gồm dầu gốc và hệ phụ gia) của nó mà quanh khu vực có dầu nhớt vương vãi, côn trùng đều không thể sống. Một ý tưởng lóe lên trong ông: "Hay là dùng nhớt để hỗ trợ chữa vết bỏng?". Câu hỏi dùng nhớt chữa bỏng cứ xoay trong đầu Nguyễn Thế Truyền khi chiến trường mỗi ngày thêm ác liệt. Bước đầu, ông tự lấy nhớt bôi xung quanh các vết ghẻ ruồi và các vết thương nhỏ của mình. Theo dõi một thời gian, dịch chảy ra xung quanh vết thương gặp dầu nhớt không tiếp tục chảy lan ra, ruồi muỗi cũng không bu bám quanh nên mau lành. Với thương binh có các vết thương mức trung bình, ông cũng làm tương tự, huyết tương chảy ra "gặp" dầu nhớt không bốc mùi thu hút ruồi nhặng nên nhanh khô miệng. "Tất nhiên là không thể bôi trực tiếp dầu nhớt vào bề mặt vết thương được vì nó là hóa chất độc hại. Tôi chỉ bôi xung quanh ở phần da lành nhằm ngăn sự bu bám của côn trùng gây hại", ông Truyền nhắc đi nhắc lại với tôi.

Vào cuối năm 1974, sự cố hy hữu xảy ra khiến sự “không may lại biến thành may”-như tâm sự của y sĩ Truyền. Lần đó, cậu con trai 1 tuổi Nguyễn Thế Thanh của vợ chồng ông Truyền chẳng may bị ngã vào nồi canh vừa sôi. Phần mông và đùi của cháu bị tuột da, bỏng rất nặng. Không biết làm cách nào khác, trong lúc bối rối, ông Truyền lấy hộp nhớt AK xin được của Ban Quân xạ-Vũ khí, bôi xung quanh vết thương của con.

Chúng tôi xin nói thêm về chuyện tình của vợ chồng người y sĩ này. Ông Truyền yêu bà Phượng từ năm 1968 tại Phú Yên. Qua nhiều cách trở, mãi đến năm 1972 gặp lại nhau trên đất Campuchia, ông bà được đơn vị tác thành và tổ chức đám cưới. Bà Phượng mang thai con trai đầu lòng khi đang làm nhiệm vụ tại chiến trường. Tháng 12-1973, bà Phượng chuyển dạ và được chính chồng là y sĩ Truyền trực tiếp đỡ đẻ tại khu rừng Bến Cầu, Tây Ninh. Cậu bé Nguyễn Thế Thanh đã lớn lên cùng bố mẹ tại chiến trường.

 Gia đình y sĩ Nguyễn Thế Truyền. Ảnh do nhân vật cung cấp

Gia đình y sĩ Nguyễn Thế Truyền. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trở lại sự việc cháu Thanh bị bỏng. Điều kỳ diệu xảy đến là nhớt bôi đến đâu thì hình như cháu bé cảm thấy mát, dễ chịu đến đó. Cháu bớt quấy khóc hơn. Do vừa chữa bệnh vừa "nghe ngóng" nên mỗi ngày ngoài thuốc đặc trị bỏng bôi trên bề mặt vết bỏng, ông bà chỉ bôi nhớt xung quanh (cách vị trí vết bỏng một khoảng nhất định) một lần. Sau vài ngày vết thương khô, ổn định. Cháu đã có thể chơi, vết thương cũng không có dấu hiệu bị nhiễm trùng. Kiên trì một thời gian, vết thương của cháu Thanh lên da non rồi dần lành hẳn. Qua đó, Nguyễn Thế Truyền đã có thể khẳng định: Dầu nhớt AK có ích trong việc hỗ trợ điều trị các vết bỏng. Và cùng với thuốc điều trị, ông đã dùng thêm dầu nhớt AK bôi quanh vết thương, nhất là các vết bỏng, góp phần cứu sống nhiều thương binh. "Chiến tranh là thế, có bao điều không thể đã trở thành có thể. Trong khó khăn, gian khổ chúng tôi phải tìm mọi cách để chăm sóc sức khỏe cho bộ đội. Đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong đời quân ngũ của tôi" - ông Truyền tâm sự.

Cũng giới thiệu với bạn đọc, ông Nguyễn Thế Truyền quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông nhập ngũ năm 1963, là y sĩ Quân Giải phóng, trải qua 12 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường: Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Ông hiện sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Nối nghiệp cha, con trai Nguyễn Thế Thanh của ông là bác sĩ chuyên khoa 2, đang công tác tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

THẾ NGUYỄN - BÁ THUYẾT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/chua-bong-bang-nhot-784299