Chùa Cầu kêu cứu

Qua nhiều lần trùng tu và bảo tồn nhưng đến nay Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vẫn đang xuống cấp nghiêm trọng. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia này đang chịu sức ép rất lớn bởi lượng khách tham quan ngày càng tăng cao.

Di tích Chùa Cầu đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng

Di tích Chùa Cầu đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng

Di tích quốc gia xuống cấp nghiêm trọng

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mỗi ngày trung bình có 4.000 lượt khách qua lại tham quan Chùa Cầu nên di tích này ngày càng xuống cấp. Các hạng mục được làm từ gỗ đều đã quá tuổi.

Phần kết cấu trên của Chùa Cầu (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu (chùa) đang có hiện tượng tách rời, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột, mỗi khi có mưa, nước từ mái thấm xuống làm ảnh hưởng các hạng mục bằng gỗ của công trình. Tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt cũng ảnh hưởng lớn đến di tích.

Trước thực trạng trên, người dân Hội An và du khách rất quan tâm và bày tỏ lo ngại về sự xuống cấp của biểu tượng Hội An. Chị Trương Thanh, một hướng dẫn viên ở TP Hội An kể, mới đây, trong một lần dẫn học sinh đi tham quan Chùa Cầu, chị và cả đoàn chứng kiến phần ván phía sau chùa sập xệ, khi đứng ở trên luôn có cảm giác sẽ rớt xuống lúc nào không hay. Có một số đoạn thủng lỗ chỗ, có thể nhìn thấy nước dưới chân chùa.

Ông Nguyên Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thừa nhận, Chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Từ tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã tổ chức hội thảo quốc tế về bảo tồn, trùng tu Chùa Cầu với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản nhưng vẫn chưa thống nhất giải pháp cụ thể. Từ đó đến nay việc lập hồ sơ dự án về tôn tạo Chùa Cầu không thể thực hiện.

Theo ông Sơn, trùng tu Chùa Cầu là vấn đề nan giải, còn tranh cãi rất nhiều giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý. Nhiều nhà khoa học của Nhật cũng như trong nước và Viện Quy hoạch kiến trúc quốc gia đều đề xướng biện pháp hạ giải, tức tháo rời di tích và đánh dấu từng cấu kiện một, để cái nào hư phải thay thế và lắp ráp theo thứ tự. Thế nhưng, nếu Chùa Cầu bị tháo dỡ bung ra, sẽ gây cú sốc rất lớn cho người dân và du khách.

TP Hội An đã có những biện pháp tu bổ tạm thời nhằm hạn chế sự xuống cấp như gia cố bằng gỗ, làm hệ thống dặm đỡ, làm cầu tạm để người dân và du khách vừa ngắm vẻ đẹp Chùa Cầu từ cầu tạm, vừa không gây áp lực lên Chùa Cầu. Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng giao hướng dẫn viên khu vực Chùa Cầu phải làm nhiệm vụ điều tiết, quy định số người tham quan phải đi theo từng nhóm (mỗi nhóm không quá 40 người) để giảm tình trạng quá tải.

Tại Chùa Cầu, TP cũng đã lắp đặt 8 camera thông minh do Úc tài trợ để quan sát số lượng người qua lại nhằm giảm tối đa tác động lên Chùa Cầu. Bên cạnh đó, ông Sơn thông tin, tháng 12 tới, vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, UBND TP Hội An sẽ tổ chức một hội thảo khoa học nữa để quyết định giải pháp thực hiện.

Không biết chuyện gì sẽ xảy ra

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, việc xuống cấp của Chùa Cầu đang theo mức độ lớn dần. Các hạng mục xuống cấp không làm sập chùa ngay nhưng với sự thay đổi của thời tiết như mưa bão hay lũ lụt kéo dài, dòng chảy lớn... không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Theo ông Trung, xác định tu bổ Chùa Cầu không phải “chắp vá”, mà phải giải quyết một cách cân bằng, giải quyết lý do tận gốc từ bên trong như hệ thống móng, đá trụ, vật liệu kiến trúc… Cần phải có một quy trình chặt chẽ, tổ chức điều tra khảo sát, xây dựng đề án, lấy ý kiến các bên liên quan… thống nhất phương án trùng tu.

“Chùa Cầu có giá trị lớn đối với Hội An, còn với các nhà khoa học, đụng đến di tích này như đụng đến biểu trưng, biểu tượng, đụng tới một vật linh thiêng. Vậy nên bước đi cần rất cẩn trọng, phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học”, ông Trung nêu ý kiến.

Một vấn đề nan giải khác tồn tại nhiều năm nay, là nước ở con kênh dưới chân di sản này đen ngòm, bốc mùi hôi hám. Du khách thưởng ngoạn trên Chùa Cầu thi thoảng lại phải đưa tay bịt mũi. Người dân sống dọc con kênh này cũng chịu cảnh tương tự hàng ngày.

Một cuộc khảo sát mới đây của các chuyên gia Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, nồng độ một số độc chất đo được tại vài điểm quanh khu vực Chùa Cầu đã vượt giới hạn quy định. Nguyên nhân được xác định do nước thải từ hàng ngàn hộ dân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An xả thẳng ra dòng kênh Chùa Cầu.

Mặc dù chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm như bơm nước từ sông Hoài vào ống ngầm đưa lên phía đầu con kênh, để đẩy nước bẩn chảy ra sông, nạo vét lòng kênh… nhưng ô nhiễm vẫn tồn tại, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham quan, du lịch tại di tích chùa Cầu và khu vực trung tâm phố cổ.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chia sẻ, việc kinh phí trùng tu với Chùa Cầu đối với TP Hội An và tỉnh Quảng Nam không phải vấn đề lớn, nhưng làm sao đảm bảo được tính nguyên tắc khoa học, có kết quả trùng tu tốt. Quảng Nam và Hội An sẽ ưu tiên tập trung tu bổ, bảo vệ di tích Chùa Cầu.

“Hiện Sở đã có một dự án làm sạch nước khu vực ven Chùa Cầu để giảm tối thiểu mùi hôi bốc lên vào mùa nắng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 260 tỉ đồng, trong đó Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỉ yên (khoảng 228 tỉ đồng), phần còn lại do TP Hội An đối ứng. Đối với việc trùng tu di tích, TP Hội An đang xây dựng đề án tổng thể và chuẩn bị trình lên Thủ tướng để xin cơ chế đặc biệt bảo tồn đô thị cổ Hội An chứ không chỉ riêng Chùa Cầu”, ông Hồng nói.

Hiện nguồn vốn gia cố Chùa Cầu chủ yếu được sử dụng từ kinh phí chống bão lụt hàng năm của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An. Điều vướng mắc nằm ở chỗ khó khăn trong quyết toán dự án cũ. Ông Trung nêu, từ năm 2008, dự án tu bổ Chùa Cầu với các hạng mục đã triển khai trước đây có ba gói thầu riêng gồm: Cải tạo vét hồ điều hòa, làm trạm bơm cùng mương nước dưới chân cầu và hạ giải Chùa Cầu, nhưng hiện các hạng mục này chưa quyết toán xong. Theo quy định của Luật Di sản, muốn lập hồ sơ dự án mới phải quyết toán dứt điểm các dự án cũ, Ông Trung đề nghị chính quyền cấp trên cần sớm giải quyết tồn đọng để lập hồ sơ bổ sung cho việc triển khai trùng dự án.

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/chua-cau-keu-cuu-465559.html