Chứa chan tình yêu thương Nhân dân trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh
Năm 2019, chủ đề mà toàn Đảng, toàn dân đang triển khai thực hiện đó là 'Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân; phát huy dân chủ; chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'. Mục tiêu và chủ thể chính mà Đảng ta hướng tới, đó chính là Nhân dân. Và trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn 'Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân'.
Trước hết, trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì các nội dung, quan điểm về “Nhân dân” chiếm vị trí trung tâm, chủ đạo nhất trong học thuyết cách mạng của Người. Yêu thương và tôn trọng Nhân dân thì phải có thái độ đánh giá đúng vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, từ truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn năm, cha ông ta đã đúc kết chí lí: Có dân là có tất cả; An dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thuở thái bình; hay như “Việc cương thường muôn thuở là ở lòng dân”. Và để cho đất nước yên bình, thịnh trị thì “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Sức mạnh của Nhân dân đã được lịch sử kiểm chứng, những chiến công hiển hách của cha ông chống giặc ngoại xâm, những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa oai hùng, lẫm liệt làm cho kẻ thù khiếp nhược đã thể hiện ý chí mãnh liệt và nghị lực phi thường của dân tộc Việt Nam. Đến thời đại Hồ Chí Minh, những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo cũng là khởi nguồn từ sức mạnh của Nhân dân, từ truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, khi mới về nước năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác đã trả lời, bắt đầu từ dân. “Phải lo dân trước, súng sau. Có dân thì sẽ có súng, có dân sẽ có tất cả”. Câu nói giản dị này đã đánh giá sự vĩ đại trong tầm nhìn của Bác về Nhân dân và chính Bác đã phát triển tư tưởng coi trọng dân của dân tộc Việt Nam.
Tháng 8 năm 1945, nhờ vào lực lượng vĩ đại của toàn dân mà chỉ với hơn 5.000 đảng viên làm nòng cốt, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc vùng lên làm cuộc cách mạng long trời lở đất, lập nên nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng nhờ dựa vào sức mạnh của Nhân dân, với sức mạnh vô địch của chiến tranh Nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những mốc son chói lọi: Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tình yêu thương Nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác có 175 tên, bút danh, bí danh khác nhau mà phần lớn tên của Bác gắn với kháng chiến, gắn với 2 cuộc trường chinh vĩ đại, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vào tuổi 25-30, Bác hoạt động và tìm đường cứu nước ở Pháp, châu Âu, Bác dùng tên Nguyễn Ái Quốc (Ái Quốc nghĩa là “Yêu nước”), đến khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, là lãnh tụ của toàn dân thì Bác lấy tên là Nguyễn Ái Dân (yêu dân, thương dân). Từ đó ta mới thấy, yêu nước, thương dân chính là tôn trọng Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân” và “trung với nước” là phải “hiếu với dân”, đó cũng chính là phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng. Ý thức tôn trọng Nhân dân ở khía cạnh đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong quan niệm “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”.
Tròn 50 năm Bác đã đi xa, chúng ta nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi địa phương, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức tôn trọng Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên cho Nhân dân; xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh trong thời đại mới.
Trên thế giới này, hiếm có vị lãnh tụ nào yêu dân, thương dân như Bác Hồ của chúng ta, chính vì yêu dân, thương dân nên Bác sống rất tiết kiệm, tiết kiệm từng đồng tiền, bát gạo. Khi ăn, có hạt cơm rơi ra ngoài, Bác cũng nhặt vào, Bác bảo để hạt cơm rơi nó phí lắm, đó là mồ hôi, là nước mắt của người nông dân đấy. Thương dân, yêu dân còn thể hiện ở những hành xử nhỏ nhất của Bác, trong các phát biểu của mình Bác thường nói “đồng bào” trước “đồng chí”, có dân thì mới có Đảng. Tư duy của Bác như vậy mang tính đạo lí rất cao mà sâu xa thì đó cũng chính là văn hóa của Đảng cầm quyền.
Trong cách ăn mặc, nói năng, ứng xử của Bác cũng luôn thấm đẫm tình cảm, sự yêu thương Nhân dân. Có câu chuyện như thế này, một lần, có cán bộ cấp cao đến nói với Bác rất thiết tha, chân thành nhưng cũng có ý phê bình Bác “Thưa Bác! xin Bác đừng ăn mặc kiểu này nữa (quần nâu, áo vải, dép cao su). Bác cứ ăn mặc thế, dân chúng không hiểu lại phê bình chúng tôi không quan tâm đến Bác, rồi các Đảng bạn đến thăm họ lại chê cười chúng tôi sao lại để Bác ăn mặc thế”. Bác cười và bảo Bác mặc thế này nó quen rồi, nó hợp với Bác. “Bác mặc thế này mà dân chúng còn khổ. Bác mặc sang trọng như các chú muốn thì dân chúng còn khổ đến đâu nữa”. Tấm lòng vĩ đại, thương dân của Bác là như thế đó. Một lần khác, khi một cán bộ có trọng trách đề xuất xây dựng trụ sở Trung ương và nhà khách quốc tế hoành tráng để Bác làm việc và tiếp khách. Bác không đồng ý và nói “Cách mạng lấy sức mạnh trong lòng dân, trụ sở Trung ương giá trị nhất, vững mạnh nhất là ở trong lòng dân đấy chú ạ!”. Câu trả lời của Bác thật thấm thía và sâu sắc đến nhường nào.
Năm 2019, chủ đề mà toàn Đảng, toàn dân đang triển khai thực hiện đó là “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân; phát huy dân chủ; chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mục tiêu và chủ thể chính mà Đảng ta hướng tới, đó chính là Nhân dân. Và trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Thực hiện Di nguyện của Người trong suốt 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chăm lo cho đời sống Nhân dân: Việt Nam là một nước nông nghiệp, vì thế, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho hơn 97 triệu con người là điều mà Đảng, Nhà nước ta luôn phải nỗ lực. Đến nay, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên bảo đảm đủ lương thực, không những thế còn đứng vào những “cường quốc” xuất khẩu gạo trên thế giới, được Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Việt Nam đã trở thành tấm gương mà nhiều quốc gia trên thế giới đến học tập kinh nghiệm. Với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách cụ thể, cuộc sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất, văn hóa, tinh thần. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, Nhân dân vùng nông thôn được cải thiện về nhà ở, có điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sạch, tiếp cận công nghệ thông tin. Nông nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa lớn, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa quy mô lớn. Các thành phố phát triển theo mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và đáng sống. Bộ mặt đất nước đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại như mong ước của Người. Có niềm vui nào chan chứa như niềm vui ngày hôm nay khi chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!