Chưa có căn cứ đánh giá, giám sát hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng nay, 1.6, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, công tác quản lý, nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm chất lượng và đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Đánh giá vẫn chỉ ở mức chung chung

Nêu thực trạng đầu tư ngân sách, đánh giá hiệu quả và trách nhiệm báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, ĐB Nguyễn Tuấn Anh cho biết, giai đoạn 2016 – 2021 dự toán ngân sách cho KHCN nếu chi đủ 2% tổng chi ngân sách nhà nước thì tương ứng khoảng 25 nghìn – 35 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, chi cho sự nghiệp khoa học khoảng 10 nghìn – 13 nghìn tỷ đồng/năm và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo hàng năm. Phần còn lại chi cho đầu tư phát triển tương ứng khoảng 15 nghìn – 22 nghìn tỷ đồng/năm thì không được báo cáo, thống kê cụ thể, nhất là số chi đầu tư phát triển KHCN tại địa phương. Trong khi đó, theo quy định của Điều 62 Luật Đầu tư công thì HĐND cấp tỉnh phải gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp. Như vậy, việc không báo cáo đầy đủ số liệu chi đầu tư phát triển KHCN hàng năm là không đúng với quy định của pháp luật, và do đó không có căn cứ để đánh giá hiệu quả của đầu tư cho KHCN.

Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh, trách nhiệm đo lường hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN đã được pháp luật quy định rất rõ ràng, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm từ khâu đề xuất, phê duyệt, ứng dụng kết quả, đánh giá hiệu quả KHCN và báo cáo cấp có thẩm quyền. “Nội dung này cũng đã được nhiều lần đề cập trong báo cáo của các cơ quan Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo nghiên cứu phương thức đo lường, thống kê hiệu quả hoạt động KHCN nhưng đến nay việc đánh giá này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời”, đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Hơn nữa, trong Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, việc đánh giá kết quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN mới chỉ dừng lại ở mức liệt kê chung chung, thiếu các phân tích định lượng, đánh giá chất lượng hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN. Báo cáo tại kỳ họp này có phụ lục đánh giá về việc thực hiện các chỉ tiêu lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, lao động,… nhưng không có phụ lục cho các chỉ tiêu về KHCN. Ngoài ra, trong 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cũng không có chỉ tiêu về KHCN. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, nếu như vậy thì ĐBQH khó có căn cứ để theo dõi, đánh giá và giám sát hiệu quả hoạt động KHCN.

Cần bổ sung phụ lục chỉ tiêu về KHCN trong báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm

Cũng theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, cử tri và nhân dân đồng thuận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học như lãnh đạo ngành khoa học đã từng giải trình. Tuy nhiên, cử tri phản ánh phần lớn các nhiệm vụ KHCN trọng điểm quốc gia là nghiên cứu ứng dụng chứ không chỉ là nghiên cứu cơ bản. Do vậy, việc độ trễ không thể kéo dài 5 năm hay nhiều nhiệm kỳ Quốc hội mà không biết kết quả ứng dụng như thế nào. Đơn cử, trong giai đoạn 2016 – 2021 chỉ tính riêng tổng kinh phí giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ KHCN quốc gia là gần 11 nghìn tỷ đồng và hầu hết những nhiệm vụ này đã được nghiệm thu và theo quy định của pháp luật thì phải tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin báo cáo về việc tổ chức ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ này.

Từ những thực trạng nêu trên, ĐB Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước cho chương trình, nhiệm vụ KHCN trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016-2021. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức Phiên giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN giai đoạn này.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tình hình thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN theo Điều 40 của Luật Khoa học công nghệ, đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ số liệu chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển KHCN và cung cấp thông tin cho ĐBQH, cử tri theo dõi, giám sát.

Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện việc tổ chức thực hiện, nghiệm thu và ứng dụng kết quả nghiên cứu thuộc các chương trình KHCN trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016-2021, báo cáo Quốc hội, cử tri và Nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư cho KHCN và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về KHCN.

“Trước mắt, cần bổ sung phụ lục chỉ tiêu về KHCN trong báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm, sau đó sớm xây dựng chỉ tiêu pháp lệnh để nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong tổ chức thực hiện, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành KHCN”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh nói.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chua-co-can-cu-danh-gia-giam-sat-hieu-qua-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-i290950/