Lãi suất tiết kiệm tăng, người dân gửi tiền hay đầu tư?
Tính đến đầu tháng 7, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục có xu hướng tăng, dao động chủ yếu từ khoảng 1,5% - 6%/năm. Bên cạnh nhu cầu bảo toàn tài sản, nhiều người tận dụng cơ hội để sinh lời.
Lãi suất tăng nhưng chưa đáng kể
Lãi suất ngân hàng đầu tháng 7 tiếp tục tăng so với thời điểm "chạm đáy". Trong đó, có nhiều ngân hàng đã quay về mức lãi suất là 6%, đây cũng là mức cao nhất hiện nay.
Cụ thể, GPBank có mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng tại quầy.
HDBank có mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn gửi 18 tháng với hình thức gửi tiền online. NCB cũng có mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn gửi 24 tháng với hình thức gửi online.
Với các số tiền gửi, số dư tối thiểu, mức lãi suất tại các ngân hàng tăng khá cao, như là PVComBank có mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng cho số tiền gửi tối thiểu là 2.000 tỷ đồng. HDBank cũng có mức lãi suất cao, 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện số dư được duy trì tối thiểu ở mức 500 tỷ đồng.
Nhóm BIG4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) có mức lãi suất cho tiền gửi online tại 1,5 – 2%/năm cho kỳ hạn 1-6 tháng, 2,8-3%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng và 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Với kỳ hạn 12 tháng, ABBank, BVBank và BacABank cùng dẫn đầu danh sách với lãi suất tiết kiệm tiền gửi online là 5,6%/năm. Còn ở hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, BVBank và BacABank cùng có mức lãi suất gửi cao nhất tại 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất có sự cải thiện so với trước đây. Song, theo khảo sát của PNVN, biên độ tăng chưa quá lớn, chủ yếu vẫn dao động quanh mức 1,5% - 6%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 24 tháng.
Trong đó, nhóm ngân hàng tư nhân có lãi suất nhỉnh hơn nhóm ngân hàng quốc doanh. Các ngân hàng quốc tế có mức lãi suất cho các kỳ hạn khá thấp, từ 0,5 – 3,75%/năm.
Đánh giá về mặt bằng lãi suất hiện nay, Gíam đốc kinh doanh Chứng khoán Mirae Asset, ông Trần Quốc Toàn cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến 20/6 đã đạt 4,17%, tương đương với hơn 565.000 tỷ đồng được "bơm" thêm ra nền kinh tế, cao hơn nhiều so với con số 0,26% vào cuối quý 1. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.
Chính sách điều hành của Việt Nam hiện nay vẫn là duy trì lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nên mức lãi suất huy động các ngân hàng thương mại có tăng nhưng tăng ở mức nhẹ, vẫn còn khá thấp.
Gửi tiết kiệm hay đầu tư?
Trong bối cảnh các kênh đầu tư trở nên ảm đạm thời gian qua, nhiều người vẫn trung thành với kênh gửi tiết kiệm.
Số liệu mới nhất về tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3 đạt 6,76 triệu tỷ đồng, tăng thêm gần 39.000 tỷ đồng so với tháng trước đó, đồng thời cao hơn 2,2% so với cuối năm 2023. Đây cũng là mức kỷ lục mới về lượng tiền gửi.
Điển hình với chị Thanh Hương (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) liên tục gửi tiền tiết kiệm từ đầu năm đến nay: "Tôi đã rút hết vốn từ chứng khoán để chuyển sang gửi ngân hàng, lãi suất có thấp thật nhưng bản thân đầu tư chứng khoán không có kiến thức nên gặp nhiều rủi ro quá. Trước mắt, bảo toàn tài sản là điều tôi ưu tiên hàng đầu nên gửi ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn nhất".
Ngược lại với số đông, nhận thấy tình hình lãi suất thấp, một bộ phần người dân đã "tận dụng cơ hội" để đầu tư, "sinh lời".
Chị Minh Phương (37 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), là chủ một nhà hàng, chị dành 20% tài sản để gửi tiết kiệm ngân hàng, còn lại là dành cho các kênh đầu tư: "Vì tôi có kinh doanh riêng nên bắt buộc phải có một khoản "an toàn" gửi tiết kiệm khi cần. Còn lại tôi đầu tư tại các kênh chứng khoán và bất động sản. Thị trường đang khá "trầm" như hiện nay, với tôi đây là thời điểm tốt để mua vào, quan trọng là cần biết lựa chọn sao cho hợp lý".
Cùng quan điểm, làm về lĩnh vực tài chính - chứng khoán, chị Thu Thủy (30 tuổi, quận 3, TPHCM) cho rằng, thay vì gửi tiết kiệm với lãi suất thấp, chị sẽ đi vay thêm để tối ưu hóa lợi nhuận. Chị cho biết: "Mặt bằng lãi suất cho vay cũng đang thấp nên thay vì gửi tiền bất động một chỗ, tôi có thể vay thêm để thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư. Quan trọng là phải tính toán thận trọng để lựa chọn kênh đầu tư phù hợp và duy trì lợi nhuận trên mức lãi suất cho vay".
Theo các chuyên gia, người dân có thể tận dụng thời điểm thị trường ảm đạm để đầu tư thêm, nhằm tiết kiệm số vốn đầu tư, song, cần thận trọng, xem xét, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định giao dịch. Còn với mục tiêu bảo toàn tài sản, gửi tiết kiệm vẫn là kênh trú ẩn an toàn.