Chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút thanh niên
Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay, 28-8, các đại biểu đã bày tỏ lo ngại về thực trạng, tồn tại chung quanh một số chính sách đối với những đối tượng thanh niên khác nhau.
Đến dự Hội nghị, có các đồng chí: Vũ Mão, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam.
Tại Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc đối với một số đối tượng thanh niên hiện nay. Cụ thể, so với Luật Thanh niên hiện hành, dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) có đã có cách tiếp cận mới, gần gũi hơn với thanh niên. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần quan tâm hơn tới tính khả thi để Luật Thanh niên (sửa đổi) sớm đi vào thực tiễn.
"Nhiều thanh niên có nguyện vọng cống hiến, nhưng thực trạng về môi trường và hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng này hiện ra sao? Vì lý do gì mà không ít thanh niên tài năng tỏ ra không thiết tha với khu vực công? Những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đã có chính sách ưu đãi với đối tượng thanh niên này, nhưng nhìn vào kết quả thực tiễn thì sao?", đồng chí Ngọ Duy Hiểu đặt vấn đề.
"Đất nước ta có nhiều hiền tài, vậy nhưng không ít người trong số này sẵn sàng ở lại nước ngoài nếu có cơ hội học tập, nghiên cứu tại đây. Nếu không có chính sách dành cho đối tượng thanh niên tài năng này, hoặc có chính sách nhưng lại không thỏa đáng, thì không bao giờ chúng ta thu hút được họ", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định.
Tại Hội nghị, có ý kiến cho rằng, dự án Luật cần làm rõ hơn khái niệm về đối tượng "thanh niên tình nguyện", trước khi đưa ra những chính sách đối với nhóm đối tượng này. Nói cách khác, nên phân biệt rõ đối tượng thanh niên ưu tú, tham gia công tác tình nguyện một cách thực chất, bền vững, có nhiều thành tích vì cộng đồng... với lực lượng thanh niên tình nguyện thời vụ, tham gia một lần, một chương trình.
Nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên sau 13 năm triển khai và thực hiện, sao cho phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện, chính sách cụ thể để thanh niên phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, đồng thời bảo đảm các quyền, nghĩa vụ của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.