Chưa có cơ sở khẳng định mặt hàng thép hợp kim silic không thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá
Căn cứ theo công văn số 136/PVTM-P1 ngày 25/2/2019 của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan chưa có cơ sở khẳng định mặt hàng thép hợp kim silic không thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá.
Công ty cổ phần ECO Việt Nam cho biết đang gặp vướng mắc liên quan đến áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng khai báo là thép hợp kim silic, dạng cuộn, được cán phẳng, có chiều rộng 600mm trở lên, kích thước 0,5x1200xC, mác 50W1300. Công ty cổ phần ECO Việt Nam đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn quy định cụ thể.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 25/2/2019, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có công văn số 136/PVTM-P1 gửi Công ty cổ phần ECO Việt Nam. Trong đó, tại mục 3 nêu rõ nếu sản phẩm nhập khẩu của công ty là sản phẩm thép sử dụng công nghệ xử lý cơ nhiệt để tạo ra lớp phủ bề mặt, sản phẩm này không thuộc phạm vi đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT ngày 30/3/2017 của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở đó, ngày 20/5/2019, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3109/TCHQ-TXNK đề nghị Công ty cổ phần ECO Việt Nam căn cứ theo hướng dẫn của Cục Phòng vệ thương mại tại công văn số 136/PVTM-P1 nêu trên để giải trình, cung cấp các tài liệu kỹ thuật, tài liệu của nhà sản xuất để chứng minh mặt hàng có hay không sử dụng công nghệ xử lý cơ - nhiệt để tạo ra lớp phủ bề mặt.
Đối chiếu với tài liệu sản xuất do Công ty cổ phần ECO Việt Nam cung cấp thì quá trình sản xuất mặt hàng được thực hiện qua các bước: Bước 1 là cán nguội (xử lý cơ), bước 2 là ủ (xử lý nhiệt) và bước 3 là phủ.
Theo Tổng cục Hải quan, quá trình phủ được thực hiện sau quá trình xử lý cơ và nhiệt, không phải hình thành trong quá trình xử lý cơ nhiệt. Như vậy, đối chiếu với mục 3 công văn số 136/PVTM-P1 thì cơ quan Hải quan chưa có cơ sở khẳng định mặt hàng nêu trên không thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá.