Chưa có giải pháp xử lý tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội

Tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động. Vậy nhưng, cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài xử lý khi số nợ qua từng kỳ báo cáo ngày càng tăng.

Người lao động nộp hồ sơ giải quyết chế độ BHXH tại BHXH tỉnh.

Người lao động nộp hồ sơ giải quyết chế độ BHXH tại BHXH tỉnh.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến hết ngày 30/9/2024, trên địa bàn tỉnh có 3.006 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng 512,68 tỷ đồng. Trong đó, chậm đóng ở khối doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể là 2.984 đơn vị, với số tiền chậm đóng là 507,48 tỷ đồng; chậm đóng ở khối hành chính sự nghiệp (HCSN) là 22 đơn vị, với tổng số tiền chậm đóng là 5,20 tỷ đồng. Khối HCSN có 16 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phát sinh mới từ 3 tháng trở lên, với số tiền 4.061.786.388 đồng, như: Bệnh viện 71 Trung ương chậm đóng 3 tháng với số tiền là 2.474.388.483 đồng; Trường Tiểu học Bãi Trành chậm đóng 3 tháng với số tiền là 365.622.214 đồng; Trường THCS&THPT Như Xuân chậm đóng 3 tháng với số tiền 486.631.643 đồng... Khối doanh nghiệp đang hoạt động có 499 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phát sinh mới từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng 37.341.499.483 đồng...

Trao đổi với Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Văn Tám được biết, cùng với việc tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo. Đồng thời, BHXH tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và yêu cầu BHXH các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sử dụng nhiều lao động, có số thu BHXH, BHYT, BHTN lớn để có giải pháp đôn đốc phù hợp.

Hằng tháng thực hiện gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời. Phân công giao trách nhiệm cho lãnh đạo, cán bộ chuyên quản làm việc, nắm bắt, xử lý thông tin, đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời trong tháng và tiền chậm đóng của những tháng trước, không để phát sinh thêm số tiền chậm đóng. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên, xử phạt và kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm...

9 tháng năm 2024, BHXH tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 42 cuộc đối với 152 đơn vị, trong đó, thanh tra liên ngành 29 đơn vị, thanh tra chuyên ngành 88 đơn vị, thanh tra đột xuất 5 đơn vị, kiểm tra nội bộ 5 đơn vị, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động 5 đơn vị; kiểm tra cơ sở khám, chữa bệnh BHYT 15 đơn vị; kiểm tra tổ chức dịch vụ, đại diện chi trả 5 đơn vị. Sau thanh tra, kiểm tra đã kịp thời ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện thu, chi BHXH, BHYT, BHTN; cấp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ở các cơ quan, đơn vị. Theo đó đã yêu cầu các đơn vị tham gia BHXH cho 40 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đăng ký tham gia, số tiền truy thu trên 235,4 triệu đồng; kiến nghị nộp số tiền 2.966,1 triệu đồng chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT. Thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính 9 đơn vị, Giám đốc BHXH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt 9 đơn vị (số tiền xử phạt 658,2 triệu đồng).

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN; việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, kết quả chưa cao. Một số doanh nghiệp không phối hợp với cơ quan BHXH trong quá trình thực hiện hoặc cam kết lộ trình chuyển tiền chậm đóng nhưng không thực hiện. Số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn và thời gian kéo dài, nhưng chưa thực hiện việc trích nộp theo quy định, dẫn đến số tiền chậm đóng ngày càng tăng và tăng với số tiền lớn, như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF&RESORT; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa; Công ty CP Lilama 5; Công ty CP Licogi 15; Công ty CP Xi măng Công Thanh; Công ty CP Tập đoàn Vinastone - Hà Trung...

Theo quy định, hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với Luật BHYT, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng. Tuy nhiên, Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, việc này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự. Do vậy, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp, điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là trong trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chua-co-giai-phap-xu-ly-tinh-trang-cham-dong-bao-hiem-xa-hoi-230054.htm