Chùa cổ Trà Lai xuống cấp

Chùa Trà Lai hay còn gọi chùa Phú Quân nằm ở thôn Phú Quân (xã Định Sơn) là một trong những di tích quốc gia tại huyện Cẩm Giàng, được xếp hạng năm 2002. Hiện nay, nhiều hạng mục của chùa xuống cấp.

Di sản quý

Chùa Trà Lai là di sản quý nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng

Chùa Trà Lai là di sản quý nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng

Theo các tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, ngôi chùa thờ sư tổ Non Đông, người có công phát triển Phật giáo Trúc Lâm yêu nước. Theo đó, vào cuối thời Trần (1226-1400), chùa là nơi hành đạo của các sư tăng, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Chùa Trà Lai là điểm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Chùa bảo tồn được hệ thống kiến trúc đồng bộ cùng nhiều hiện vật quý giá. Quả chuông đồng “Trà Lai tự chung” được đúc vào khoảng đầu thế kỷ XIX, có lưu bút văn khắc Hán Nôm gồm hơn 500 chữ.

Chùa Trà Lai có kiến trúc cổ kính, cổng được xây cao với 3 cửa vòm cuốn, cửa giữa rộng 2,5 m, hai bên cửa rộng đều nhau 1,5 m. Kết cấu cổng gồm 2 lớp với 8 trụ biểu gắn búp sen. Hai bên cánh gà gắn khung chữ “Thọ” cách điệu thể hiện cho sự trường tồn của nơi thờ tự. Khu chùa chính có kiến trúc theo kiểu chữ đinh theo Hán tự gồm 5 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, chất liệu gỗ lim nối liền nhau thành không gian thờ tự khép kín. Nhà tiền đường xây bít đốc, bổ trụ, đắp biển tự chữ “Trà Lai tự” trên bờ nóc, mái lợp ngói vỏ sò xen kẽ ngói mũi hài cổ, di vật thời Hậu Lê thế kỷ 18. Kết cấu khung vì chính kiểu “kẻ chuyền, chồng chóp”, con rường chạm lá lật kê đấu vuông. Riêng hai vì ốp tường hồi kết cấu kiểu “kèo cầu trụ báng” kết hợp kẻ chuyền. Câu đầu vì bên phải còn lưu giữ được một mảng chạm khắc thời Hậu Lê khá tinh xảo.

Cột biểu trong chùa đã bị đổ từ lâu

Cột biểu trong chùa đã bị đổ từ lâu

Hệ thống tượng thờ ở đây là chất liệu gỗ, có niên đại tạo hình vào cuối thời Hậu Lê và thời Nguyễn thế kỷ 19. Đáng chú ý là pho tượng A Di Đà cao 1,45 m được tạo dáng cân đối. Tượng ngồi theo thế “Hàng ma tọa” chân phải vắt lên đùi trái, lòng bàn chân ngửa.

Hằng năm, vào ngày 26 tháng giêng, dân làng tổ chức giỗ tổ Non Đông, thu hút nhân dân các xã phụ cận và trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Sớm bảo tồn

Qua thăng trầm thời gian, đến nay, nhiều hạng mục của chùa đã xuống cấp. Bà Lê Thị Tín, một trong những người trông nom chùa cho biết có lần đang lau dọn thì chân, tay một pho tượng rơi ra, hôm sau tai của pho tượng khác cũng bị long. Tượng Mẫu Liễu Hạnh mủn nhiều năm nay nên khi bao sái phải hết sức cẩn trọng. Gần đây nhất, một cột biểu bên trái của khu chùa chính bị đổ, làm gãy ghế đá bên dưới. Vì là thời điểm ban đêm nên may mắn không có ai bị thương. Những ngày mưa, sư trụ trì phải nhờ từ 4-5 người hỗ trợ, người dùng khăn lau thấm dưới nền, người dùng thau chậu hứng nước dột.

Cụ Đào Thị Na, 85 tuổi, đã nhiều năm trông coi chùa cho biết một số chân cột mối mọt gần hết, nhiều góc có ngói bị tụt. Trước đó, chùa đã tu bổ một lần ở khu vực hậu cung nhưng hiện nay đã dột nghiêm trọng. Nhiều cột mối mục bên trong. Có lần người dân đang làm lễ bên trong thì ngói rơi xuống nhưng may mắn không ảnh hưởng đến ai.

Bà Lê Thị Tín, người trông nom chùa phát hiện một bàn tay tượng bị rơi ra

Bà Lê Thị Tín, người trông nom chùa phát hiện một bàn tay tượng bị rơi ra

“Gắn bó với ngôi chùa đã lâu nên chúng tôi rất đau lòng khi nhìn chùa xuống cấp. Mỗi lần trời mưa, chúng tôi nơm nớp không biết hạng mục nào sẽ đổ nên mong chùa sớm được tu bổ”, sư thầy Thích Diệu Nhung, trụ trì nhà chùa lo lắng.

Ông Vũ Văn Cải, công chức văn hóa xã Định Sơn cho biết chùa từng được tu sửa một lần nhưng đến nay đã xuống cấp. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho các thế hệ hàng trăm năm qua. Trong hai cuộc kháng chiến, chùa là nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng, là kho dự trữ lương thực cho dân làng. Chính quyền xã và nhân dân rất mong ngôi chùa sớm được tôn tạo.

HẢI HÒA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/chua-co-tra-lai-xuong-cap-155819