Chưa có yếu tố mới kích hoạt dòng tiền vào chứng khoán
Nhà đầu tư thận trọng, dè dặt trong giải ngân vào thời điểm chỉ còn hơn chục phiên giao dịch nữa sẽ khép lại năm 2024.
Các con số về tăng trưởng kinh tế vĩ mô cũng đã có thể ước đoán khá rõ ràng khiến thị trường thiếu đi yếu tố bất ngờ để “kích hoạt” dòng tiền chảy vào thị trường. Hơn nữa, càng đến gần cuối năm dòng tiền càng thể hiện xu hướng “nghỉ ngơi”.
Nhìn chung, xu thế đi ngang, chỉ số dao động trong biên độ hẹp, giao dịch ảm đạm là chủ đạo trong năm 2024.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/12, VN-Index tăng 1,22 điểm lên 1.263,79 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 538,9 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 12.820 tỷ đồng. Toàn sàn có 158 mã tăng giá, 214 mã giảm giá và 82 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,04 điểm lên 227,04 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 37,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 588,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 71 mã tăng giá, 68 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,1 điểm lên 92,64 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 32,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 469,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 140 mã tăng giá, 125 mã giảm giá và 109 mã đứng giá.
Các nhóm cổ phiếu biến động giá rất nhẹ, hầu hết là dưới 1%. Rổ cổ phiếu VN30 có 10 mã tăng giá, 14 mã giảm giá và 6 mã đứng giá. Các mã tăng hơn 1% là VNM, SSI và POW, trong khi chỉ có duy nhất 1 mã giảm hơn 1% là BVH.
Ngành tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh nhất thị trường nhờ KDC tăng 2,25%, VNM tăng 1,25%, HAG tăng 0,81%, DBC tăng 0,19%.
Ở chiều ngược lại, ngành năng lượng có mức giảm mạnh nhất thị trường do BSR giảm 2,22%, THT giảm 1,63%, PVS giảm 0,59%, TMB giảm 0,27%.
Trong bối cảnh đó, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi họ bán ròng hơn 210 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Cụ thể, khối ngoại bán ròng gần 198 tỷ đồng trên HOSE. HPG bị bán ròng mạnh nhất, với 148 tỷ đồng. Tiếp đến, BID bị bán ròng 62 tỷ đồng; PDR (55 tỷ đồng) và DIG (36 tỷ đồng).
Khối ngoại cũng bán ròng khoảng 16 tỷ đồng trên thị trường UPCOM, trong khi chỉ mua ròng khoảng 4 tỷ đồng trên HNX.