Chưa đồng bộ và thiếu thống nhất

Thực tế hoạt động những nhiệm kỳ qua cho thấy, việc các quy định về thi đua, khen thưởng trong hệ thống các cơ quan dân cử chưa đồng bộ và thiếu thống nhất. Theo đó, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng cơ chế khen thưởng độc lập đối với các cơ quan dân cử để ghi nhận những đóng góp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù của đại biểu dân cử cũng như phù hợp với vị trí, vai trò, tính chất hoạt động của cơ quan dân cử...

Không ít vướng mắc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Người từng nói: “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”. Thực tế cho thấy, trong thành quả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cách mạng Việt Nam từ trước đến nay luôn gắn liền với việc thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua ái quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, quy định về thi đua, khen thưởng trong hệ thống các cơ quan dân cử lại thiếu đồng bộ và thống nhất. Hệ thống Luật về tổ chức của các cơ quan dân cử (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương) không đề cập đến nội dung khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan dân cử. Luật Thi đua, khen thưởng được ban hành từ năm 2003, đến nay đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung (năm 2005, 2009, 2013) nhưng mới chỉ có quy định về khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, không có quy định về hình thức khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, đại biểu HĐND các cấp.

Một số văn bản là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ có đề cập đến việc khen thưởng đối với ĐBQH chuyên trách của địa phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương), các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng, Phó các Ban hoạt động chuyên trách của HĐND). Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND đã mở rộng việc khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng đối với tất cả đại biểu HĐND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Do chưa có các quy định đồng bộ và thống nhất nên trong thực tế thực hiện có không ít vấn đề vướng mắc. Trước hết, mặc dù có quy định về việc khen thưởng đối với các đại biểu của cơ quan dân cử nhưng Luật Thi đua, khen thưởng lại không có quy định hình thức cũng như thẩm quyền khen thưởng của các cơ quan dân cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp. Do vậy, các trường hợp được khen thưởng đều phải đề nghị đến các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của Luật là Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp.

Bên cạnh đó, khi tổ chức thực hiện các phong trào thi đua đối với tập thể thường được chia thành các cụm, khối (từ 7 - 10 đơn vị/cụm, khối). ĐBQH ở địa phương chỉ bố trí 1 - 2 người hoạt động chuyên trách, các Ban của HĐND cũng không đủ số lượng để bố trí thành cụm, khối thi đua. Do đó, việc bình xét danh hiệu thi đua, xét khen thưởng hàng năm đối với cá nhân ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương cũng như tập thể các Ban của HĐND không có căn cứ để thực hiện.

Do những khó khăn như vậy nên thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu các cơ quan dân cử còn rất hạn chế, chưa tương xứng với những đóng góp của đại biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với vai trò, vị trí, trách nhiệm là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội và HĐND các cấp.

Các cá nhân và tập thể được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố Khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Các cá nhân và tập thể được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố Khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Cần quy định cụ thể, rõ ràng

Hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã được Quốc hội Khóa XV thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai. Những vấn đề vướng mắc khi thực hiện khen thưởng trong phạm vi các cơ quan dân cử đã được bổ sung để giải quyết nhưng cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Theo đó, cần xây dựng cơ chế khen thưởng độc lập trong phạm vi các cơ quan dân cử để ghi nhận những đóng góp trong kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù của đại biểu dân cử, cũng như phù hợp với vị trí, vai trò, tính chất hoạt động của cơ quan dân cử.

Cụ thể là cần bổ sung thẩm quyền phát động thi đua trong phạm vi các cơ quan dân cử của Chủ tịch Quốc hội; bổ sung hình thức tặng danh hiệu thi đua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND cấp tỉnh; bổ sung hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tặng cờ thi đua, bằng khen) và của Thường trực HĐND cấp tỉnh (tặng bằng khen); bổ sung hình thức tặng kỷ niệm chương của Quốc hội và HĐND cấp tỉnh.

Để bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức xét tặng các danh hiệu thi đua của địa phương, tránh sự trùng lặp, chồng chéo trong thực hiện các cơ chế khen thưởng giữa các cơ quan trên cùng địa bàn, cần thiết lập cơ chế phối hợp, thống nhất trong quy định các vấn đề về thi đua, khen thưởng giữa Thường trực HĐND và UBND cùng cấp. Nhất là cơ chế hiệp thương trong đề nghị xét tặng các danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp trên. Hội đồng Thi đua khen thưởng của địa phương nên giao Thường trực HĐND phối hợp với UBND cùng cấp để thành lập, quyết định cơ chế tổ chức và hoạt động.

Nguyễn Thị Tịnh - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hải Phòng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chua-dong-bo-va-thieu-thong-nhat-t0ulq3odxq-80835