Chưa được đổi tên ngành đào tạo khiến Khoa Di sản văn hóa khó tuyển sinh
Dù đã đổi tên khoa thành Di sản văn hóa hơn chục năm nay nhưng ngành đào tạo vẫn giữ nguyên là Bảo tàng học khiến khoa gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố để du lịch trở thành ngành mũi nhọn.
Do đó, lĩnh vực này đang rất cần những nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về di sản, phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo vệ di sản. Thế nhưng, những năm gần đây, việc tuyển sinh lĩnh vực di sản văn hóa gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ thiếu đi nguồn nhân lực này trong tương lai.
Khát nhân lực nhưng khó tuyển sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng tuyển sinh hiện nay, thầy Trần Đức Nguyên, Phó trưởng Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, hiện Khoa đang đào tạo 1 ngành (Bảo tàng học) và 1 chuyên ngành (Quản lý di sản văn hóa).
Trong những năm gần đây số lượng tuyển sinh có giảm, nhất là đối với ngành Bảo tàng học, chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu. Lý giải về nguyên nhân khiến số lượng tuyển sinh bị giảm, thầy Nguyên bày tỏ:
“Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do sự thay đổi về nhận thức của thí sinh, của gia đình thí sinh cũng như nhu cầu xã hội, đảm bảo vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp là những vấn đề đặt ra hiện nay”.
Theo thầy Nguyên, Khoa Di sản văn hóa là một địa chỉ đào tạo về di sản văn hóa, có lịch sử đến nay đã hơn 60 năm, đào tạo cho ngành một số lượng lên tới hàng ngàn cán bộ đang công tác, quản lý tại các địa phương, các bộ ban ngành liên quan đến di sản văn hóa.
Mọi vấn đề phát triển đều nằm trong điều quan trọng nhất đó là nguồn nhân lực – là con người – lực lượng tham gia trực tiếp vào các hoạt động đó. Như vậy, tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng – cung cấp một lực lượng nhân lực có chuyên môn tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trong quá trình đào tạo người học được cung cấp, trang bị những kiến thức chuyên sâu về các loại hình, đặc trưng, giá trị của các di sản văn hóa, các kỹ năng chuyên môn khi tiếp cận, xử lý các vấn đề trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản…Các kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ này giúp người học có thể đáp ứng ngay được các yêu cầu khi làm việc thực tế.
Vậy nên, nếu việc tuyển sinh gặp khó khăn sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này. Bảo tồn di sản văn hóa là hoạt động cần có sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng, trong đó những người tham gia trực tiếp (như cán bộ quản lý, người làm công tác chuyên môn…) giữ vai trò rất quan trọng.
Cũng theo thầy Nguyên, Luật Di sản văn hóa đã chỉ rõ rằng: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” – di sản văn hóa là tinh hoa của các thế hệ đi trước truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa chính là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ nét đặc sắc của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.
Do vậy, chắc chắn rằng, nguồn nhân lực được đào tạo có chuyên môn tham gia bảo vệ di sản văn hóa dân tộc bị thiếu hụt thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động này.
“Việc bảo tồn di sản văn hóa đạt được hiệu quả, giữ gìn được những tài sản quý giá của dân tộc của đất nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố con người giữ vai trò quyết định.
Thực tế hiện nay đúng là “khát nhân lực nhưng khó tuyển sinh”. Vậy nên, theo chúng tôi, cần phải có những chính sách, phương án cụ thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích và tạo điều kiện cho nguồn nhân lực này từ đó mới có thể thu hút được người theo học".
Chia sẻ về việc đào tạo, thầy Nguyên cho hay, bảo tồn di sản văn hóa là hoạt động mang tính liên ngành, có những yêu cầu chuyên môn cao, hơn nữa trong trong xu thế hiện nay, việc áp dụng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động chuyên môn bảo tồn cũng là một vấn đề đặt ra đối công tác đào tạo.
Do vậy, Khoa đã luôn tạo điều kiện để giảng viên tham gia nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, Khoa cũng mở rộng mối quan hệ, hợp tác với nhiều bảo tàng, trung tâm bảo tồn di sản để tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên có cơ hội tham gia trực tiếp vào những công việc chuyên môn tại các cơ sở đó. Từ đó gây dựng đam mê, nhiệt huyết, tình yêu đối với di sản dân tộc cho người học.
Thế nhưng, khó khăn hiện nay của ngành học đó nằm ở việc tìm đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, để giải quyết việc này, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, nhà trường đã hướng tới việc mở rộng mối quan hệ, liên kết và đào tạo cung ứng nhân lực cho một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa… chẳng hạn như các bảo tàng ngoài công lập, các công ty bảo tồn di sản văn hóa, doanh nghiệp du lịch…
Hiện nay, nhiều bảo tàng ngoài công lập, các trung tâm nghiên cứu bảo tồn di sản đã có sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp công tác và nắm giữ những vị trí chuyên môn quan trọng.
Phó trưởng khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đưa ra một số đề xuất nhằm tháo gỡ nút thắt khó khăn, vướng mắc trong việc đào văn hóa di sản, truyền thống.
Thứ nhất, Nhà nước cần có những chính sách, chế độ tuyển dụng và đãi ngộ đối với những người đang công tác trong ngành bảo tồn di sản văn hóa. Hiện nay, lực lượng này gặp nhiều khó khăn trong đời sống nhất là về vật chất. Nếu đảm bảo cuộc sống, sẽ giúp cho họ thêm yêu nghề, có những cố gắng quyết tâm để gìn giữ di sản dân tộc, cũng là điều để thu hút được thế hệ đi sau tiếp bước con đường đó.
Thứ hai, nên đổi tên ngành đào tạo để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay: cơ quan quản lý ngành, cũng như chức danh nghề nghiệp khi tuyển dụng.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Đình Thịnh, Phó trưởng Khoa di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tên gọi của ngành đào tạo cũng là một trong yếu tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh. Bởi, nhìn nhận từ thực tế, nhiều em khi nhìn vào tên ngành là Bảo tàng học sẽ có suy nghĩ học xong sẽ chỉ có thể làm việc bảo tàng.
Trong khi đó, khi học ngành này, sinh viên không chỉ được đào tạo kiến thức về bảo tàng mà còn được cung cấp kiến thức về di tích, di sản,… Cơ hội việc làm cũng rộng mở, bên cạnh làm việc tại bảo tàng, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại các các sở, ban, ngành, trung tâm về văn hóa, du lịch, di tích,…
Đáng nói, trước đây, khoa có tên là Khoa Bảo tồn bảo tàng do thuộc Cục Bảo tồn bảo tàng với ngành đào tạo là ngành Bảo tàng học. Tuy nhiên, khi Cục Bảo tồn bảo tàng đổi tên thành Cục Di sản văn hóa, khoa cũng tất yếu đổi tên theo thành Khoa Di sản văn hóa nhưng ngành đào tạo vẫn giữ nguyên tên ngành là Bảo tàng học.
Cách đây khoảng chục năm, Khoa cũng đã làm đề xuất đổi tên ngành là ngành Di sản văn hóa để thuận lợi hơn nhưng chưa được. Việc này đã làm bó hẹp lại chỉ tiêu tuyển sinh
Do vậy, hiện Khoa cũng đang tiếp tục làm đề án mở thí điểm mở ngành di sản văn hóa nhưng vẫn còn vướng một số điều kiện yêu cầu.
Chia sẻ về thực trạng tuyển sinh những năm gần đây, thầy Thịnh cho biết, Khoa được giao chỉ tiêu hàng năm là 40 sinh viên, tuy nhiên, nhưng những năm gần đây khoa tuyển sinh chỉ đạt khoảng trên dưới 20 em.
Mặc dù trường đã cố gắng thực hiện công tác tuyển sinh qua các nền tảng truyền thông, mạng xã hội nhưng nhiều bạn bạn trẻ hiện nay có xu hướng học các ngành liên quan đến kinh tế, truyền thống. Nguy cơ thiếu nguồn nhân lực của lĩnh vực này trong tương lai là điều khó tránh khỏi.
Thầy Thịnh cho biết thêm, hiện nay, hầu như các bảo tàng đều đang thiếu nhân sự về bảo quản hiện vật (chuyên ngành này tại Việt Nam duy nhất chỉ có Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo).
Tuy nhiên, các bạn sinh viên đa phần khi lựa chọn vào ngành bảo tàng học của khoa sẽ thường chọn vào chuyên ngành bảo tồn bảo tàng nhiều hơn vì chuyên ngành bảo quản hiện vật có một phần kiến thức liên quan đến khoa học tự nhiên. Do đó, các bạn lựa chọn học bảo quản hiện vật cũng phải dồn vào học bảo tồn bảo tàng, không thể tách riêng để đào tạo 2 chuyên ngành này.
Thầy Thịnh cho biết thêm, vào năm 2021, Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch (cơ quan chủ quản của Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) có thông báo sẽ giao chuyên ngành bảo quản hiện vật 15 chỉ tiêu được miễn học phí hoàn toàn. Thế nhưng, đến nay, Bộ vẫn chưa rót kinh phí nên trường chưa thể triển khai đào tạo 15 chỉ tiêu này để thu hút người học hơn cho Khoa.
Cũng theo thầy Thịnh, nguyên nhân khiến cho khoa gặp khó khăn khi tuyển sinh một phần cũng do việc giáo dục di sản cho học sinh từ bậc phổ thông vốn chưa được chú trọng nên đã làm hạn chế đi nhận thức của nhiều bạn trẻ về bảo tàng, di sản văn hóa của đất nước.
Vậy nên, thầy Thịnh mong rằng, ngành giáo dục cần chú trọng và quan tâm hơn trong việc giáo dục di sản cho các em ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình vui chơi giải trí như hiện nay để di sản văn hóa được tồn tại song song và phát triển cùng thời đại.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế mở các ngành đặc thù được thông thoáng hơn để giúp cho các khoa, trường được thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.