Chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức

Chia sẻ tại cuộc họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chiều 29.6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay có 41 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có đến 40 trường hợp sử dụng điện thoại di động, cho thấy nguy cơ phát tán đề thi rất cao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

41 thí sinh vi phạm Quy chế thi

Chia sẻ về công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT) cho biết, công tác coi thi của kỳ thi tại tất cả các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội. Ảnh: Trần Hiệp

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội. Ảnh: Trần Hiệp

Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.

Liên quan việc xử lý thí sinh tuồn đề thi môn Ngữ Văn và Toán ra ngoài trái phép, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an cho hay, sẽ căn cứ vào kết quả xác minh, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả, cũng như xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đặc biệt là căn cứ vào hành vi. “Nếu hành vi đó đến mức phải xử lý hình sự thì xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015, nếu không thì theo nghị định của Chính phủ, xử phạt hành chính về an ninh trật tự và an toàn xã hội. Khi có kết quả, Bộ Công an sẽ thông báo", Thiếu tướng Trần Đình Chung nói.

Chia sẻ về những băn khoăn của đề thi năm nay, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT) GS. Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Ban đề thi, cho biết, đề thi năm nay giữ nguyên cấu trúc như năm ngoái, nội dung nằm trong chương trình lớp 12, không ra phần giảm tải, vượt quá chương trình và đề có tính phân hóa. Giải thích việc đề thi thử ở Nghệ An và Hà Nội có ngữ liệu trùng với đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, ông Hà cho rằng điều này bình thường với phần làm văn. “Có tổng cộng 17 tác phẩm trong chương trình trong đó có 2 tác phẩm không thuộc nội dung ra đề. Do đó, nội dung đề thi không thể ra khác ngoài 15 tác phẩm trong khi 63 tỉnh, thành phố đều có 2 - 3 lần thi thử, dữ liệu trùng lặp khó tránh khỏi”, ông Hà nói.

Kỳ vọng vào chương trình giáo dục phổ thông mới

Đánh giá về công tác tổ chức kỳ thi, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Nam Định) Nguyễn Văn Đằng cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã bước đầu khẳng định niềm tin thành công, với sự vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo, phụ huynh và nỗ lực to lớn, thực hiện bài làm tốt của các em học sinh.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình nhận định, các thí sinh tham gia kỳ thi đã được cả xã hội quan tâm. “Như ở điểm thi Trường Lương Thế Vinh, các thầy cô, thanh niên tình nguyện lập tức hỗ trợ các em khi gặp trời mưa, khi các em vào đến khu vực thi cũng được hỗ trợ bảo quản đồ dùng cá nhân cẩn thận. Thậm chí điểm thi của tôi có học sinh tăng động, các thầy cô cũng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để học sinh đó có thể tham gia với hết khả năng của mình”.

Thầy Bình cũng cho rằng, kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. “Mặc dù kiểm soát chặt chẽ nhưng kỳ thi vẫn xuất hiện việc lộ đề thi môn Ngữ Văn và Toán, do đó, sau kỳ thi này, Bộ GD - ĐT cần rà soát, điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn. Cùng với đó, tới đây, công tác chấm thi cũng cần được thanh tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm sự công bằng cho thí sinh”, thầy Bình nói.

Đánh giá về công tác ra đề thi năm nay, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi đã bám sát nội dung được học, chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, cấu trúc đề thi tương tự đề thi minh họa, cùng với đó, đề thi cũng có tính phân loại. Tuy nhiên, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng, đề Toán chưa có chiều sâu, nặng tính toán, chưa đánh giá được năng lực của học sinh, thiếu yếu tố liên hệ, ứng dụng thực tiễn.

Còn đề thi môn Ngữ văn cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhiều nhà giáo nhận xét đề Văn thi tốt nghiệp cũ kỹ, thiếu sáng tạo, nhưng cũng có người cho rằng quen thuộc hay thiếu đột phá không phải tiêu chí của một đề thi tốt. TS. Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét, đề ngữ Văn có sự ổn định, giữ cấu trúc từ năm 2017 tới nay. Điều này tạo cảm giác yên tâm cho một số lượng thí sinh nhất định, tuy nhiên, tính ổn định có thể đưa đến sự trùng lặp, thiếu đột phá, bất ngờ nên ít nhiều làm giảm hứng thú cho thí sinh khi làm bài". Cô Thu Tuyết hy vọng, học sinh học chương trình mới sẽ được trải nghiệm những đề thi mà ngữ liệu nghị luận văn học nằm ngoài sách giáo khoa. Việc này giúp các em tự khám phá và cảm nhận, phát huy những kỹ năng đã được rèn luyện trong cả cấp học.

Minh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/chua-ghi-nhan-hien-tuong-tieu-cuc-gian-lan-co-to-chuc-i334439/