Chùa Giác Lâm ở Thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Giác Lâm có khu thờ 119 pho tượng, gồm tượng Thích Ca bằng gỗ, tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng, cùng các tượng Thập Bát La Hán và tượng Ngũ Hiền.

Tổng hợp: Thúy Anh

1. Sự ra đời chùa Giác Lâm

Chùa Giác Lâm (tên tiếng Trung: 覺林寺; Hán-Việt: Giác Lâm tự) còn có các tên khác: Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm; là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở Nam Bộ.

Chùa tọa lạc tại số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Vào mùa xuân năm 1744, chùa Giác Lâm được cư sĩ Lý Thụy Long khởi công xây dựng dưới thời vua Nguyễn Phúc Khoát. Chùa ban đầu được biết đến với nhiều tên gọi như Cẩm Sơn, Sơn Can và Cẩm Đệm.

Chùa Giác Lâm - TP.HCM. Ảnh: st

Chùa Giác Lâm - TP.HCM. Ảnh: st

Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc đã gửi đệ tử là Viên Quang về tiếp quản chùa. Từ đó chùa được đổi tên thành Giác Lâm và trở thành trung tâm đào tạo kinh sách, giới luật cho các phật tử ở Gia Định và Nam Bộ.

Trong lịch sử, chùa Giác Lâm từng là nơi ẩn náu của nhiều nhà cách mạng trong thời kỳ chiến tranh 1939-1945. Đây cũng là thời điểm chùa được trùng tu một lần nữa.

Ngày 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi (1827), thiền sư Viên Quang qua đời, thiền sư Hải Tịnh lên kế vị. Đến năm 1873, dưới sự trụ trì của Thiền sư Minh Khiêm, chùa Giác Lâm còn là nơi in ấn sách, khắc bản gỗ và truyền bá tri thức Phật giáo đến với mọi người.

Năm 1988, Chùa Giác Lâm chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Từ khi thành lập đến nay chùa Giác Lâm đã trải qua tám đời sư trụ trì. Viện chủ chùa hiện nay là Thượng tọa Thích Huệ Trung, trụ trì là Đại đức Thích Từ Tánh, phó trụ trì là Đại đức Thích Từ Trí. Chùa Giác Lâm vẫn thu hút hàng nghìn du khách và phật tử mỗi năm đến thăm quan và tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Phật giáo.

Chính điện chùa Giác Lâm - Tp.HCM. Ảnh: st

Chính điện chùa Giác Lâm - Tp.HCM. Ảnh: st

2. Chùa Giác Lâm mang đặc trưng lối kiến trúc các chùa Nam Bộ

Tổng quan kiến trúc chùa Giác Lâm: cổng nhị quan, cổng tam quan, chính điện, nhà thờ tổ, nhà giảng đường, khu tháp mộ, bảo tháp xá lợi, sân vườn.

Cổng nhị quan

Cổng nhị quan của chùa Giác Lâm được hoàn thành vào năm 1945, đặc điểm nổi bật là hai con sư tử ở hai góc cổng, thể hiện nét văn hóa Ấn Độ và hình tượng đầu rắn Naga đặc trưng của Phật giáo Khmer. Cổng được thiết kế với hình dạng chân quỳ, trang trí với hoa văn chạm nổi đặc trưng. Trên cổng, có ghi dòng chữ Hán kể về truyền thuyết Ô Quan Thái tử đời Đường. Ngoài ra, cổng chùa không được xây thẳng về phía chính điện, theo quan niệm cổ xưa, tránh việc quỷ thần đi thẳng vào khu vực chính của ngôi chùa.

Cổng tam quan

Ban đầu, khi chùa Giác Lâm được xây dựng, không có cổng tam quan. Cho đến năm 1955, nhà chùa mới bắt đầu xây dựng cổng tam quan, hướng về phía Nam và nằm sát bên đường Lạc Long Quân ngày nay. Hai bên của cột trụ được chạm khắc câu đối bằng chữ Hán. Đặc biệt, cổng chùa luôn mở cửa chào đón những ai muốn tìm hiểu và hướng theo đạo Phật.

Chính điện

Phía trước chính điện là sân hình chữ nhật, với chiều ngang 20m và chiều rộng 10m. Nơi đây có bàn thờ với tượng A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc và hai bàn thờ hai bên với tượng Quan Thế Âm, Đại Thế Chí. Điện phật tổ rất trang nghiêm, gồm ba bàn thờ được sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp: Bàn Di Đà, bàn Hội Đồng, bàn Tam Bảo.

Chính điện Chùa Giác Lâm có bốn cột chính gọi là tứ trụ, biểu tượng cho "tiên bái Phật, hậu bái Tổ". Bên cạnh đó, nơi đây có tổng cộng 56 cột to. Mỗi cột được chế tác công phu, chạm khắc các câu đối và trang trí bằng thiếp vàng. Giữa các hàng cột cũng được khắc họa các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu...

Khu thờ bên trong chính điện Chùa Giác Lâm rực rỡ và tráng lệ. Tại đây, bạn có thể bắt gặp nhiều bức tượng to lớn như tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc Bồ Tát, Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, cùng với bộ tượng Cửu Long được đúc từ đồng. Điểm đặc biệt tại đây là sự hiện diện của 2 bộ tượng Thập Bát La Hán và 2 bộ Tượng Thập Điện Diêm Vương.

Đỉnh tường chính điện và tháp tổ Hồng Hưng có hơn 7.000 chiếc đĩa trang trí. Trong đó, hơn 6.000 chiếc đĩa được sử dụng tại tường chính điện và hơn 1.000 chiếc ở tháp tổ Hồng Hưng. Các đĩa trang trí này chủ yếu được sản xuất từ lò gốm Lái Thiêu, Bình Dương, cùng với một số đĩa nhập khẩu từ Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này làm cho Giác Lâm trở thành ngôi chùa sở hữu kỷ lục là ngôi chùa “có số lượng đĩa trang trí nhiều nhất Việt Nam."

Nhà thờ Tổ

Đằng sau khu vực chánh điện của chùa Giác Lâm là nơi đặt bàn thờ nhà tổ, nơi tôn kính các vị hòa thượng trụ trì của chùa theo từng thời kỳ. Đối diện bàn thờ nhà tổ là bàn thờ Phật Chuẩn Đề, Phật A Di Đà và Thập Điện Diêm Vương.

Gần khu vực bàn thờ nhà tổ là phòng giảng đường được xây dựng theo kiểu mái nhà chính điện. Đây là nơi các tăng ni, pháp tử thường tham dự các sự kiện quan trọng và lễ hội lớn tại chùa Giác Lâm. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phòng giảng đường còn được sử dụng để đào tạo cán bộ và triển khai công tác trinh sát trong khu vực nội thành.

Bảo tháp xá lợi chùa Giác Lâm- Tp.HCM. Ảnh: st

Bảo tháp xá lợi chùa Giác Lâm- Tp.HCM. Ảnh: st

Khu tháp mộ cổ và Bảo tháp xá lợi

Khu tháp mộ cổ tại chùa Giác Lâm được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, là nơi tôn kính các thiền sư và tu sĩ khi họ qua đời.

Bảo Tháp Xá Lợi - một kiến trúc hình lục giác với bảy tầng tháp, bắt đầu xây dựng năm 1970 theo thiết kế của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng. Công trình này tạm dừng vào năm 1975 và hoàn thành vào năm 1994, có chiều cao 32,7m và diện tích rộng hơn 600m2, hướng về phía Bắc.

Tầng dưới cùng của bảo tháp đặt bàn thờ tượng Di Đà Tam Tôn, các tầng tiếp theo đặt thờ nhiều tượng Phật, Bồ tát như đức Phật Thích Ca, đức Phật Dược Sư, Bồ tát Quan Thế Âm,… Tầng trên cùng trang trí chùm đèn Cửu Long, giữa là tháp Xá lợi đức Phật Thích Ca.

Chiêm ngưỡng 119 pho tượng cổ

Chùa Giác Lâm có khu thờ 119 pho tượng, gồm tượng Thích Ca bằng gỗ, tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng, cùng các tượng Thập Bát La Hán và tượng Ngũ Hiền. Bộ tượng Thập Bát La Hán là biểu trưng rõ nét cho sự phát triển của Phật giáo Nam Bộ và nét đặc trưng của người Việt. Ngoài các tượng, chùa còn có nhiều tác phẩm gỗ quý khác như bao lam, hoành phi, câu đối thếp vàng, bàn thờ và vật phẩm thờ cúng có lịch sử đã lâu đời.

Tượng gỗ cổ tại chùa Giác Lâm- TP.HCM. Ảnh: st

Tượng gỗ cổ tại chùa Giác Lâm- TP.HCM. Ảnh: st

Tượng cổ chùa Giác Lâm - TP.HCM. Ảnh: st

Tượng cổ chùa Giác Lâm - TP.HCM. Ảnh: st

Tổng hợp: Thúy Anh

Tham khảo

wikipedia

chuagiaclam.org

baotienphong

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-giac-lam-o-thanh-pho-ho-chi-minh.html