Chưa hết 'cơn bĩ cực', chăn nuôi lo khối ngoại lấy mất thị phần?

Chăn nuôi heo nông hộ, quy mô theo trang trại và hợp tác xã đang bị thu hẹp do giá bán đầu ra quá thấp, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao. Với tình hình này, người chăn nuôi lo ngại thị phần sẽ rơi vào tay của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là khối ngoại.

HTX kinh doanh Thao Thanh (Bắc Giang) được thành lập từ tháng 2/2017, với 7 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ heo. Quy trình chăn nuôi của HTX được áp dụng phương pháp an toàn sinh học và sử dụng cám thảo dược. Dù được đầu tư theo chuỗi giá trị nhưng ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX cho biết đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong “cơn bão” giá heo.

Chăn nuôi bài bản cũng không thoát khó

Chia sẻ câu chuyện của HTX với VnBusiness, ông Thao cho biết hiện nay, giá xuống thấp nên mỗi con heo xuất chuồng, HTX đang lỗ khoảng vài trăm nghìn đồng. “Chúng tôi đã làm rất bài bản từ việc chủ động con giống, thức ăn, giết mổ rồi làm phân hữu cơ, sản phẩm men vi sinh. Tuy nhiên, sản phẩm không có chỗ đứng trên thị trường”, ông nói.

Người chăn nuôi lo ngại thị phần của ngành chăn nuôi bị rơi vào tay DN FDI

Người chăn nuôi lo ngại thị phần của ngành chăn nuôi bị rơi vào tay DN FDI

Từ quy mô hơn 2.000 con heo, đến nay HTX Thao Thanh chỉ duy trì dưới 1.000 con. “Chúng tôi làm tốt nhưng phải cạnh cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trôi nổi, bán giá cao thì không ai mua, mà bán rẻ thì mình thua lỗ”, ông Thao nói.

Trong khi đó, tiềm lực hạn hẹp, HTX Thao Thanh đã dồn sức đầu tư rất nhiều vốn để xây dựng chuỗi khép kín, đến nay gần như nguồn lực đã cạn, khó duy trì nếu khó khăn vẫn cứ bủa vây như hiện nay.

Giám đốc HTX Kinh doanh Thao Thanh bày tỏ lo ngại, với tình hình này không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ, HTX, trang trại quy mô lớn hơn cũng phải thu hẹp và thị phần của ngành chăn nuôi chắc chắn rơi vào tay của các “ông lớn”, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính mạnh.

Tình cảnh này cũng diễn ra ở câu chuyện của ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Lộc Phát BLLT. Doanh nghiệp này mỗi tháng xuất bán ra thị trường 2.000-2.500 con heo thương phẩm. Với mức giá hiện nay, doanh nghiệp lỗ khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng/tháng.

Ông Bắc chia sẻ, chăn nuôi heo đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ rơi vào thế khó như thời điểm hiện tại. Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ cuối năm 2020, đến tháng 8/2022 đà tăng mới chấm dứt. Song, từ đó đến nay, giá vẫn neo ở mức đỉnh lịch sử, chưa một lần điều chỉnh giảm. Trong khi, giá heo hơi giảm xuống thấp.

Lý giải khó khăn đang bủa vây ngành chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng đây là xu hướng chung, không chỉ giá heo ở Việt Nam mà ở Thái Lan, Trung Quốc cũng giảm mạnh. Đồng thời do dịch COVID-19 gây đứt gãy đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục.

Cục Chăn nuôi thừa nhận đến thời điểm này chưa thể khẳng định được đến khi nào thì giá thức ăn chăn nuôi mới ổn định trở lại. Thêm vào đó, sức mua của người tiêu dùng giảm.

Khối ngoại áp đảo về thị phần

Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn thì các doanh nghiệp FDI lại đang có giai đoạn khá phát triển trong những năm gần đây (2020 – 2022). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), quy mô ngành chăn nuôi Việt Nam được xếp ở vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2022, Việt Nam thu hút 2,2 tỷ USD đầu tư FDI vào ngành chăn nuôi với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thức ăn, chăn nuôi heo, gà, bò, giết mổ, chế biến và xử lý môi trường…

Các doanh nghiệp FDI không chỉ phát triển một ngành hay một chuỗi giá trị mà là cả một hệ sinh thái ngành chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chăn nuôi, chế biến sản phẩm. Điển hình như các Tập đoàn C.P, Japfa, New Hope… đã đầu tư với số lượng vốn rất lớn vào hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong 237 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam, chỉ có 61 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 25,7%) nhưng sản lượng bán ra thị trường chiếm gần 60%. Tập đoàn C.P (Thái Lan) xuất bán mỗi năm hơn 5 triệu con heo thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80 ngàn tấn gà thịt, chiếm 19,5% tổng sản lượng heo thịt và 4% tổng sản lượng thịt gà của cả nước….

Ngoài ra, với 16 nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại đã được C.P đầu tư tại Việt Nam, sản lượng thức ăn chăn nuôi của C.P cũng chiếm 25% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Ngoài các tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam từ lâu, gần đây nhiều tập đoàn lớn khác cũng đã bắt đầu rót vốn mạnh vào Việt Nam như De Heus, Mavin… Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của các doanh nghiệp FDI đang trở thành xu thế và dự báo xu thế này sẽ mạnh mẽ hơn nữa vào những năm tới.

Trong bức tâm thư gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhiều lần đề cập tới lo ngại thị phần của ngành chăn nuôi bị rơi vào tay doanh nghiệp FDI. Ông cho biết, cách đây 10 năm, chúng ta có 10 triệu hộ chăn nuôi, nhưng nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ.

Các công ty, trang trại trong nước, nông hộ ngoài việc gồng mình chịu đựng tình hình chung còn gặp áp lực cạnh tranh cực lớn từ các công ty FDI với nhiều thế mạnh từ nguồn vốn dồi dào và làm chủ toàn chuỗi giá trị.

Ông Công đặt ra tình huống, nếu thị trường không còn những người nông dân tham gia thì giá cả sẽ như thế nào, liệu DN FDI có đẩy giá lên để kiếm lời nhanh hay giữ giá bình ổn như mong muốn của chúng ta trong việc kiểm soát các mặt hàng bình ổn?

“Đành rằng cần có sự hiện diện của các nhà đầu tư FDI nhưng chúng tôi mong người chăn nuôi Việt Nam vẫn còn được giữ một phần thị trường. Đó là công việc mưu sinh của chúng tôi”, ông Công chia sẻ.

Ông Nguyễn Trí Công bày tỏ ước vọng một buổi sáng thức dậy sau những ngày lao động vất vả sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Nhà nước để hàng triệu nông hộ sẽ có thêm động lực cùng chung tay sản xuất tích cực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Không cách nào khác là ngành chăn nuôi phải nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn. Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các doanh nghiệp lớn chủ động phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ như sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành, bởi hiện nay, mặc dù giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thấp nhưng chúng ta sẽ bị động. Bên cạnh đó, đích đến là phải tăng chế biến và xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước.

TS. Nguyễn Quốc Đạt

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

Do khó khăn kéo dài nên từ 4 triệu hộ chăn nuôi trước đó hiện cả nước chỉ còn 2 triệu hộ. Trong bối cảnh này, ngành chăn nuôi cần giải pháp, để công bằng với ngành chăn nuôi trong nước, Nhà nước cần có giải pháp siết chặt thị trường thịt nhập khẩu, sản phẩm đông lạnh nhập khẩu với giá rẻ, chất lượng trôi nổi. Đồng thời, Nhà nước cũng hỗ trợ người chăn nuôi giải bài toán cắt giảm chi phí sản xuất.

GS.TS. Nguyễn Duy Hoan

Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên

Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi, nhưng miếng bánh béo bở này lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn hẳn so với doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ và giá thành sản xuất. Dự báo lợi thế này sẽ được phát huy sức mạnh trong thời gian tới khiến doanh nghiệp Việt Nam có thể thua tại sân nhà.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chua-het-con-bi-cuc-chan-nuoi-lo-khoi-ngoai-lay-mat-thi-phan-1091808.html