Chưa hết phụ thuộc Nga, Đức lại muốn ràng buộc lợi ích với Trung Quốc?

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đông đảo các CEO hàng đầu của Đức đã đến Bắc Kinh, với một thông điệp rõ ràng 'hoạt động kinh doanh với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải được đẩy mạnh'. Hơn bao giờ hết, Đức đang rất cần 'các bản hợp đồng' với Trung Quốc.

Chưa hết phụ thuộc Nga, Đức lại muốn tìm lợi ích chung với Trung Quốc?. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: DW)

Chưa hết phụ thuộc Nga, Đức lại muốn tìm lợi ích chung với Trung Quốc?. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: DW)

Lợi ích có bị ràng buộc?

Tham gia chuyến thăm cùng với người đứng đầu chính phủ Đức là một phái đoàn gồm 12 ông lớn trong ngành công nghiệp Đức, bao gồm các CEO của Volkswagen (VLKAF), Deutsche Bank (DB), Siemens (SIEGY) và gã khổng lồ hóa chất BASF (BASFY). Họ đang chuẩn bị gặp gỡ các công ty Trung Quốc sau những cánh cửa đóng kín.

Trong buổi hội đàm (ngày 4/11) tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, ông đang tìm cách "phát triển hơn nữa" hợp tác kinh tế giữa hai nước, trong khi thừa nhận hai nhà lãnh đạo có "những quan điểm khác nhau".

Một nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết, Thủ tướng Scholz đã khẳng định với ông Tập Cận Bình: "Chúng tôi muốn trao đổi về cách thức có thể phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế trong những chủ đề khác nhau: biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, các quốc gia mắc nợ…

Đáp lại, ông Tập đã kêu gọi Đức và Trung Quốc cùng hợp tác trong bối cảnh tình hình quốc tế “phức tạp và đầy biến động”, đồng thời cho biết, chuyến thăm sẽ “tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc hơn hợp tác thực tế trong các lĩnh vực và lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của quan hệ Trung-Đức, theo thông tin từ Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.

Chuyến thăm của ông Scholz – là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo G7 đến Trung Quốc trong khoảng ba năm, đặc biệt nó diễn ra trong giai đoạn nền kinh tế Đức đang rơi vào tình trạng suy thoái. Nhưng nó đã làm dấy lên lo ngại rằng, lợi ích kinh tế của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn bị ràng buộc quá chặt chẽ với lợi ích của Bắc Kinh.

Kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nổ ra, Đức đã buộc phải từ bỏ sự phụ thuộc lâu dài vào năng lượng của Nga. Giờ đây, một số người trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Scholz đang ngày càng lo lắng về mối quan hệ ngày càng sâu sắc của đất nước với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tuyên bố tình hữu nghị của họ với Nga là "không có giới hạn", trong khi quan hệ của Trung Quốc với Mỹ lại đang xấu đi.

Gần đây, căng thẳng nổi lên bởi một cuộc tranh luận gay gắt về việc hãng vận tải quốc gia Trung Quốc Cosco đề nghị mua 35% cổ phần của nhà điều hành 1 trong 4 nhà ga lớn tại cảng Hamburg. Dưới áp lực của một số thành viên chính phủ, quy mô đầu tư được giới hạn ở mức 24,9%. Thỏa thuận dù là tiềm năng này đã làm dấy lên lo ngại ở Đức rằng, quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc sẽ khiến cơ sở hạ tầng quan trọng chịu “áp lực” từ Bắc Kinh và mang lại lợi ích "không cân đối" cho các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đức khó có thể cùng "chơi ngang bằng" với Bắc Kinh, khi nước này đang phải vật lộn với thách thức vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn. Người tiêu dùng và các công ty Đức đã phải gánh chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu và một cuộc suy thoái sâu sắc đang có nguy cơ cận kề.

Lisandra Flach, Giám đốc Trung tâm thông tin về kinh tế quốc tế, đánh giá, nếu Liên minh châu Âu và Đức tách khỏi Trung Quốc, điều đó sẽ dẫn đến “thiệt hại GDP lớn” cho nền kinh tế Đức. Viện Kinh tế Thế giới Kiel ước tính, sự sụt giảm lớn trong thương mại giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ làm giảm 1% GDP của Đức.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Kim ngạch thương mại của Đức với Trung Quốc, tính theo giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, đã vượt xa các đối tác thương mại hàng đầu khác của nước này kể từ năm 2016, đạt 245,4 tỷ Euro (242 tỷ USD) vào năm ngoái.

Đức đang cần củng cố thị trường xuất khẩu, trong khi mối quan hệ với Nga - từng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của nước này gần như "bị đóng băng".

Và khi nói đến Trung Quốc, Đức sẽ "không muốn mất cả thị trường, đối tác kinh tế này”, Rafal Ulatowski, Phó giáo sư Khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Warsaw, cho biết. “Họ sẽ cố gắng giữ những mối quan hệ này càng lâu càng tốt”.

Áp lực cũ và "điểm nóng mới" đối với Berlin

Khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, Trung Quốc đã công khai duy trì “thái độ trung lập”, đồng thời tăng cường thương mại với Moscow. Điều này đã gây ra phản ứng dữ dội ở châu Âu - nơi một số doanh nghiệp vốn đã có quan điểm cảnh giác với việc kinh doanh ở Trung Quốc, vì một số hạn chế theo quy định. Áp lực lên Berlin cũng đang gia tăng đối với các vấn đề của Trung Quốc…

“Một phái đoàn thương mại Đức tham gia chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đức sẽ được coi là một dấu hiệu cho thấy Đức sẵn sàng làm sâu sắc hơn các liên kết kinh tế và thương mại mà bỏ qua các vấn đề khác”, một nhà quan sát bình luận.

Chuyên cơ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hạ cánh ở Bắc Kinh vào ngày 4/11. (Nguồn: Getty Images)

Chuyên cơ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hạ cánh ở Bắc Kinh vào ngày 4/11. (Nguồn: Getty Images)

Gay gắt hơn, có người cho rằng, Berlin đang “rút khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào một thế lực độc quyền, lại để làm tăng thêm sự phụ thuộc kinh tế vào một quyền lực khác”.

Trong một bài báo đăng trên một tờ báo của Đức trước ngày lên đường, Thủ tướng Scholz cho biết ông sẽ sử dụng chuyến thăm của mình để “giải quyết các vấn đề khó khăn”, trong đó có cả các vấn đề không thuộc về kinh tế.

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cũng đã đáp lại những lời chỉ trích vào tuần trước. Trong một cuộc họp báo, phía Berlin nói rõ rằng, họ không có ý định "tách rời" khỏi đối tác thương mại quan trọng nhất của mình, mà “hãy đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro”.

Năm ngoái, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong năm thứ sáu liên tiếp, với giá trị thương mại tăng hơn 15% so với năm 2020, theo số liệu thống kê chính thức. Cùng với đó, nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc sang Đức có trị giá lên tới 245 tỷ Euro (242 tỷ USD) vào năm 2021.

Tuy nhiên, những vấn đề xung quanh thỏa thuận cảng Hamburg sẽ lại là “điểm nóng mới”. Một lời nhắc nhở về sự đánh đổi mà Đức phải đối mặt nếu muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với một thị trường xuất khẩu và nhà cung cấp quan trọng như Trung Quốc.

Hiện tại, người phát ngôn của Hamburger Hafen und Logistik (HHLA), công ty điều hành bến cảng, cho biết, họ vẫn đang đàm phán thỏa thuận với Cosco.

(theo CNN, Carnegieeurope)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chua-het-phu-thuoc-nga-duc-lai-muon-rang-buoc-loi-ich-voi-trung-quoc-204583.html