Chưa hết tuần trăng mật, tôi đã muốn ly hôn

Chồng muốn vợ chồng tôi đứng ra gánh khoản nợ xây nhà 500 triệu đồng cho bố mẹ chồng ở quê dù kinh tế chúng tôi không hề khá giả.

Vợ chồng tôi cưới nhau chưa được mấy ngày, sóng gió đã xảy ra trong gia đình. Thực sự, tôi chỉ muốn bỏ cuộc.

Chúng tôi kết hôn do mai mối. Ở tuổi 28, tôi không còn quá kén chọn. Vì vậy khi được người quen giới thiệu chồng tôi là người đàn ông chững chạc, chăm chỉ làm ăn và không có các tật xấu như bia rượu, bài bạc… tôi rất yên lòng.

Chúng tôi nhanh chóng hẹn hò và kết hôn trong sự thúc giục của gia đình. Gần ngày cưới, tôi mới cảm thấy có nhiều vấn đề từ phía anh và nhà chồng tương lai.

Chồng tôi là người đàn ông nghiêm túc, không có quá nhiều tật xấu nhưng anh có nhược điểm là phụ thuộc vào bố mẹ.

Trước đây, anh đi xuất khẩu lao động 3 năm. Toàn bộ số tiền anh làm được đều gửi cho bố mẹ. Bố mẹ anh dùng đó để xây nhà, mua sắm nội thất, chạy việc cho em trai anh, cho em gái anh của hồi môn… Đến ngày anh về, số tiền đó hết sạch, không còn một đồng.

Nhưng anh nói, đó là số tiền anh báo hiếu vì vậy cũng không hỏi lại bố mẹ. Thành ra, đến lúc chúng tôi làm đám cưới, anh không có đồng nào. Tiền chụp ảnh cưới, mua nhẫn, làm đám cỗ… chúng tôi đều chia đôi. Phần anh, anh đi vay mượn bạn bè, họ hàng… để thanh toán.

Nhưng đó chưa phải là chuyện quan trọng, từ những việc nhỏ như chọn ga gối trong phòng cưới hay việc lớn hơn như mời bao nhiêu khách, làm bao nhiêu mâm… anh đều nghe theo ý bố mẹ.

Tôi cảm thấy không hài lòng về việc đó. Chúng tôi đều đã trưởng thành, bố mẹ nên tôn trọng ý kiến con. Đặc biệt, tiền cưới do chúng tôi bỏ ra lẽ nào phải làm một đám cưới theo ý người khác.

Nói qua nói lại, chúng tôi cãi nhau to. Nhưng cuối cùng, thiệp mời đã phát, ngày cưới cũng đã định… tôi đành im lặng để mọi chuyện diễn ra được êm đẹp.

Vậy mà sau cưới, tôi lại được phen tá hỏa từ nhà chồng. Đó là một tối, bố mẹ chồng gọi vợ chồng tôi vào nói chuyện.

Bà nói, bà vất vả lắm mới nuôi được các con nên người. Chồng tôi là người được bà hi vọng và yêu thương hơn trong số tất cả các con. Vì vậy bà muốn anh dù sau kết hôn, vẫn không lơ là trách nhiệm với gia đình, vẫn phải trọn chữ hiếu với bố mẹ.

Nói xa nói gần, mẹ chồng tôi chia sẻ, căn nhà ông bà xây năm ngoái hiện vẫn còn nợ do số tiền chồng tôi gửi về không đủ. Số nợ lên tới 500 triệu đồng.

“Nhà xây lên là để cho các con lấy nhau về có nhà cao cửa rộng, chứ bố mẹ tuổi "gần đất xa trời" cũng không ham hố gì nhà to. Giờ bố mẹ cũng chẳng có thu nhập gì ổn định. Tiền bán hàng của mẹ cũng chỉ đủ để chi tiêu trong gia đình”, bà nói.

Bà đề nghị vợ chồng chúng tôi trả số nợ này. Căn nhà đang để tên bố mẹ chồng nhưng trong tương lai, ông bà cũng sẽ làm di chúc, để hết cho vợ chồng tôi. Tôi cảm thấy rất bất ngờ vì trước kết hôn tôi không hề được nghe đến chuyện này.

Sau đám cưới, vợ chồng tôi dự định sẽ lên thành phố làm việc và ở trọ. Chúng tôi cũng không ở với ông bà mà chỉ về vào cuối tuần, những ngày nghỉ. Điều bất ngờ hơn là chồng tôi không phản đối gì đề nghị của bố mẹ.

Tối đó, chồng tôi phân tích với vợ, anh là con trai cả, chưa báo hiếu được cho bố mẹ. Nay bố mẹ đã già, lại bắt ông bà nai lưng trả nợ cho căn nhà tương lai sẽ của vợ chồng tôi thì thật không phải.

Anh muốn tiền lương của tôi hàng tháng sẽ dùng để chi tiêu cho hai vợ chồng. Khoản lương và tiền làm thêm, tăng ca của anh sẽ chuyển về cho bố mẹ để trả nợ.

Tôi không đồng tình với đề xuất đó vì vậy chúng tôi lại cãi nhau. Trong cơn bức xúc, anh tuyên bố nếu tôi cố tình bạc bẽo, rạch ròi với nhà chồng, anh sẽ “trả tôi về nhà ngoại”.

Tôi nghe lời đó mà choáng váng. Vừa cưới vợ xong anh đã dành cho tôi những lời phũ phàng ngay trong thời kỳ mà người ta gọi là trăng mật.

Có phải tôi đã quá vội vàng trong cuộc hôn nhân này?

Độc giả V.T.L (Bắc Ninh)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/tam-su/chua-het-tuan-trang-mat-toi-da-muon-ly-hon-671427.html