Chúa Lải tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

Thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận (Chợ Mới) có 105 hộ, 419 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc Tày, Kinh, Dao, Mông cùng sinh sống. Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân thôn Chúa Lải luôn phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, đời sống ngày càng khởi sắc.

Hiện nay, thôn xã thành lập được 01 tổ hợp tác chăn nuôi cá, bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên.

Hiện nay, thôn xã thành lập được 01 tổ hợp tác chăn nuôi cá, bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên.

Anh Nông Văn Vũ- Trưởng thôn Chúa Lải cho biết: Trong lĩnh vực kinh tế, người dân chú trọng phát triển các lĩnh vực có thế mạnh như: Trồng rừng, phát triển mặt nước ao, hồ, ruộng để chăn nuôi thủy sản. Nhờ đó, diện tích nuôi thủy sản của thôn Chúa Lải không ngừng được mở rộng, toàn thôn hiện có 3,4ha diện tích nuôi thủy sản và đã thành lập được 01 tổ hợp tác nuôi cá. Từ việc phát triển nuôi thủy sản, nhiều hộ có thu nhập đáng kể.

Hộ gia đình anh Nông Văn Bênh là một trong nhiều hộ mạnh dạn cải tạo 1.500m2 diện tích ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, anh còn là thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá Chúa Lải. Năm 2021, gia đình anh thu hoạch trên 01 tấn cá bán ra thị trường, thu về hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra, trong ao vẫn còn khoảng 01 tấn cá thương phẩm. Không chỉ nuôi cá gia đình anh Bênh còn đẩy mạnh trồng rừng, cũng trong năm vừa qua gia đình anh đã khai thác bán 1,5ha rừng keo, thu về hơn 100 triệu đồng. Cứ xoay vòng liên tục gia đình anh tiếp tục đầu từ trồng, chăm sóc 4ha keo, hứa hẹn chỉ thời gian nữa tiếp tục được khai thác. Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chăn nuôi thủy sản, gia đình anh Bênh có thu nhập ổn định, được bà con trong thôn bầu là người sản xuất kinh doanh giỏi của thôn đề nghị xã khen thưởng.

Không chỉ gia đình anh Bênh, nhiều hộ dân trong thôn Chúa Lải đã thay đổi tư duy làm kinh tế, lựa chọn cho gia đình mình hướng đi phù hợp. Trong thôn đang hình thành và phát triển các hình thức kinh tế dịch vụ, xây dựng, vận tải, hợp tác xã… Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi như các hộ gia đình ông Hà Đức Đàm, Hoàng Hữu Huế, Hoàng Hữu Bảo, Nguyễn Đình Thúy, Nguyễn Đình Bàng, Nguyễn Đình Hiệu, Phùng Thế Đệ, Hoàng Hữu Dầu, Phùng Đức Tình, Hoàng Hữu Dâng, Bùi Quang Tỉnh, Phùng Đức Quỳnh, Nguyễn Đình An… Từ việc tích cực phát triển kinh tế, đến nay thôn chỉ còn 05 hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2021.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, thôn Chúa Lải đang tích cực triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của UBND huyện. Nhân dân trong thôn rất đồng tình hưởng ứng, một số hộ dân đã tự giác thực hiện mô hình bước đầu tạo được dấu ấn với khách tham quan trải nghiệm trong và ngoài tỉnh. Từ chương trình này mà đồng bào các dân tộc trong thôn đang duy trì việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình như: Các làn điệu Then, lượn slương, lượn cọi của người Tày, các làn điệu múa hát của đồng bào Mông, Dao… thông qua việc thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ nhằm phục vụ nhu cầu của du khách. Khi du khách đến tham quan được hòa mình vào không gian yên bình, được trải nghiệm các công việc hằng ngày của đồng bào dân tộc, được thư giãn, trải nghiệm các hoạt động câu cá, làm bánh trưng, bánh giầy, khẩu lam, tự tay nấu những món ăn ưa thích…

Đồng chí Hà Văn Hưởng- Chủ tịch UBND xã Thanh Vận cho biết: "Hai năm trở lại đây, người dân thôn Chúa Lải đã có sự thay đổi nhận thức, tư duy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, tận dụng tiềm năng, lợi thế ở địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: Đẩy mạnh trồng rừng, nuôi thủy sản, làm dịch vụ để nâng cao thu nhập. Kinh tế phát triển, người dân chú trọng xây dựng nhà cửa khang trang, đàng hoàng hơn. Cùng với đó, người dân còn tích cực bảo vệ môi trường để thực hiện xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới...".

Có thể nói, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, bước đầu đã đem lại những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương; thể hiện những bước đi đúng đắn của cấp ủy, chính quyền thôn trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Bà con nhân dân của thôn đang phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa phong phú và đa dạng nhưng vẫn giữ gìn được cảnh quan, bản sắc văn hóa của một vùng quê./.

Lý Dũng

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/chua-lai-tich-cuc-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-hieu-qua-6742e3a/