Tưởng niệm Hòa thượng Thích Bửu Đăng - vị Tăng sĩ bị Pháp sát hại vì hoạt động yêu nước

Hôm nay, 4-10 (2-9-Giáp Thìn), chư Tăng chùa Linh Sơn Hải Hội (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trang nghiêm tưởng niệm húy nhật Hòa thượng Thích Bửu Đăng (1947-2024), nhà hoạt động yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại miền Nam, khai sơn chùa.

Di ảnh Hòa thượng Thích Bửu Đăng tại bảo tháp tưởng niệm trong khuôn viên chùa Linh Sơn Hải Hội (Q.Gò Vấp)

Di ảnh Hòa thượng Thích Bửu Đăng tại bảo tháp tưởng niệm trong khuôn viên chùa Linh Sơn Hải Hội (Q.Gò Vấp)

Chư tôn đức Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Q.Gò Vấp, Tăng Ni trên địa bàn quận đã trang nghiêm dâng hương tưởng niệm Hòa thượng Thích Bửu Đăng và thực hiện khóa tụng Bát-nhã tâm kinh tri ân những đóng góp to lớn của Hòa thượng cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.

Chư tôn đức chứng minh dâng hương tưởng niệm

Chư tôn đức chứng minh dâng hương tưởng niệm

Hòa thượng Thích Bửu Đăng, thế danh Trần Ngọc Lang, sinh năm 1904 tại xã Bình Mỹ, Q.Gò Vấp, tỉnh Gia Định trong gia đình có truyền thống Phật giáo nhiều đời. Từ nhỏ, ngài đã ở chùa và được Hòa thượng Chánh Hòa, chùa Vạn Đức, Q.Gò Vấp cho thế độ xuất gia, đặt pháp danh là Hồng Lang. Năm 1924, ngài thọ Cụ túc giới tại chùa Giác Viên, Chợ Lớn, được ban pháp hiệu là Bửu Đăng, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40.

Năm 1932, quan tri phủ Lương Sơ Khai phát tâm xây ngôi chùa tại làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định, cung thỉnh Hòa thượng đứng ra xây dựng và trụ trì ngôi bảo tự này. Xây dựng xong, Hòa thượng đặt tên chùa là Hải Hội, ngài ở đây hành đạo trong 9 năm, được chư tôn đức trong vùng phong làm giáo thọ, bởi uy tín qua các trường hương.

Tăng Ni thành kính tưởng niệm

Tăng Ni thành kính tưởng niệm

Năm 1941, được sự khuyến trợ của quan tri phủ Lương Sơ Khai, Hòa thượng làm đơn xin dời ngôi chùa Hải Hội từ làng Bình Hòa đến làng An Hội, tổng Bình Trị Thượng, Gò Vấp cũng trên đất của quan tri phủ. Ngôi chùa mới lấy hiệu là Linh Sơn Hải Hội vừa rộng lớn và khang trang hơn ngôi chùa cũ, vừa có vườn tược đủ để tự túc kinh tế cho việc tu hành.

Chính nơi đây, Hòa thượng bắt đầu tham gia phong trào kháng Pháp của các nghĩa sĩ yêu nước và tiếp sau là tổ chức cách mạng Việt Minh. Để che mắt chính quyền thực dân, Hòa thượng tổ chức ra đội lân chùa Linh Sơn Hải Hội hàng ngày qui tụ thanh niên, trai tráng địa phương tham gia tập luyện võ nghệ để chống giặc dưới lốt đội lân. Vì vậy, Hòa thượng được mọi người quen gọi là “Thủ tọa lân”.

Trang nghiêm khóa lễ tưởng niệm

Trang nghiêm khóa lễ tưởng niệm

Năm 1945, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp quay trở lại chiếm lấy 3 kỳ, lập ra chính phủ bảo hộ. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-8-1946, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ ra đời do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng; Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định được thành lập, Hòa thượng được chư tôn đức cử làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang, xã An Phú Đông.

Năm 1947, Pháp chuẩn bị càn quét vào chiến khu An Phú Đông. Tổ chức cách mạng ra lệnh cho các vị cán bộ nòng cốt di tản, riêng Hòa thượng vẫn ở lại bám trụ giữ vững cơ sở để làm đầu mối liên lạc và tiếp ứng cho chiến khu, dưới vỏ bọc “Thủ tọa lân” ở chùa Linh Sơn Hải Hội.

Tụng thời kinh Bát-nhã tưởng niêm

Tụng thời kinh Bát-nhã tưởng niêm

Ngày 29-8-1948, trên đường từ trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc ở chùa Tường Quang - An Phú Đông trở về chùa Linh Sơn Hải Hội, do có sự chỉ điểm của mật thám, Hòa thượng bị giặc Pháp phục kích bắt giữ. Ngày 2-9, sau 3 ngày bị tra khảo, Hòa thượng vẫn nhất quyết không cung khai bất cứ tin tức gì. Giặc Pháp đem Hòa thượng ra địa điểm cầu Tham Lương - Hóc Môn xử bắn. Sau đó, chúng bắn phá xóm làng và đốt cháy chùa Giác Ân - Tân Bình ở gần đó.

Nhục thân Hòa thượng được nhân dân và gia đình vớt từ rạch cầu Tham Lương đem về xây bảo tháp an táng trong khuôn viên chùa Linh Sơn Hải Hội. Mặt trận Việt Minh và Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định đã làm lễ truy điệu Hòa thượng trọng thể không lâu sau đó.

Chư Ni thành kính tưởng niệm

Chư Ni thành kính tưởng niệm

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Hòa thượng đã được Nhà nước truy phong danh hiệu Liệt sĩ và Huân chương Độc lập hạng nhì. Đối với Phật giáo, hành trạng của ngài tiêu biểu cho sự gắn bó giữa đạo pháp với dân tộc.

Để ghi nhớ ân đức của Hòa thượng, trong khuôn viên chùa, chư Tăng xây dựng một bảo tháp 9 tầng với tên gọi tháp Bửu Đăng; đạo hiệu của cố Hòa thượng được đặt tên cho một con đường trên địa bàn Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Như Danh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tuong-niem-hoa-thuong-thich-buu-dang-vi-tang-si-bi-phap-sat-hai-vi-hoat-dong-yeu-nuoc-post73356.html