Chưa lựa chọn công nghệ của quốc gia nào để triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.

Quang cảnh buổi trao đổi. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh buổi trao đổi. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Chiều nay (1/10), Bộ Giao thông Vận tải tổ chức buổi trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Đây là dự án được Bộ Chính trị, Trung ương rất quan tâm và chỉ đạo sát sao trong thời gian qua.

Hơn 18 năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều nghiên cứu với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn quốc tế và khảo sát tại 6 nước Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp; trong đó, Nhật Bản, Pháp và Đức là 3 quốc gia có công nghệ gốc về đường sắt tốc độ cao.

Trên cơ sở nghiên cứu 22 quốc gia đã đưa đường sắt tốc độ cao vào khai thác và khảo sát tại các nước trên, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án tốc độ 350 km/giờ, trên cơ sở đảm bảo tính hiện đại, tầm nhìn dài hạn và phù hợp với xu hướng thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, theo kinh nghiệm thế giới, các tuyến đường sắt tốc độ cao với chiều dài trên 800 km đều lựa chọn tốc độ 350 km/giờ, tốc độ 250 km/giờ chỉ dành cho đoạn đường cự ly ngắn. Đối với Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/giờ.

“Với phương án tốc độ thiết kế này, chi phí đầu tư đắt hơn nhưng nếu chỉ đầu tư với tốc độ 250 km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/giờ là khó khả thi và không hiệu quả. Phương án này cũng được đưa ra trên cơ sở sức hấp dẫn, tính hiệu quả, cạnh tranh và khả năng thu hút hành khách so với tốc độ 250 km/giờ.

Với phương án thiết kế tốc độ này, trao đổi về phương án lựa chọn công nghệ từ quốc gia nào, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, hiện chưa có phương án nào liên quan đến việc này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

“Việc lựa chọn công nghệ của quốc gia nào cho việc thực hiện Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là điều kiện chuyển giao công nghệ của các nước như thế nào, không phải giá thành ra sao. Giá thành là một yếu tố, khả năng chuyển giao và hỗ trợ công nghệ thế nào là quan trọng, mang tính quyết định”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/giờ; tổng chiều dài 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.

Về phạm vi, quy mô đầu tư, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (Tp. Hồ Chí Minh).

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray, công nghệ theo hướng mở để có thể tích hợp khai thác nhiều loại tàu, bảo đảm nhiều đơn vị có thể cung cấp phương tiện, tránh độc quyền.

Tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam cuối tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, công việc cần thiết để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ gửi các Bộ và Thành viên Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án mà Bộ Giao thông vận tải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chậm nhất vào ngày 01/10/2024 để nghiên cứu trước. Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo thẩm định, Văn phòng Chính phủ gửi ngay cho các Thành viên Chính phủ để xin ý kiến; trên cơ sở đó Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Chính phủ trước ngày 7/10/2024.

Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa vào thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 (ngày 7/10/2024) để xem xét thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, tiếp thu các ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo; thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án.

TTXVN tiếp tục thông tin về buổi trao đổi này./.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chua-lua-chon-cong-nghe-cua-quoc-gia-nao-de-trien-khai-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam/348924.html