Chưa nên thành lập Hội đồng trường đối với trường cao đẳng
Sau khi báo cáo với Chủ tịch Hội đồng trường thì Hiệu trưởng vẫn phải báo cáo với cơ quản quản lý trực tiếp dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý và ra quyết định.
Ngày 15/01/2025, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Hệ cao đẳng vươn mình trong kỷ nguyên mới”. Tọa đàm được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Việc chuyển chức năng quản lý nhà nước giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo là tín hiệu rất mừng. Các trường cao đẳng có nhiều kỳ vọng từ công tác quản trị đến tuyển sinh, đào tạo.... sẽ khởi sắc khi chuyển quản lý nhà nước về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay của các trường cao đẳng đang thực hiện thành lập Hội đồng trường theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều trường, hiện nay chưa có trường cao đẳng nào tự chủ hoàn toàn, trong khi đó quy mô của các trường cao đẳng thường nhỏ, số lượng giảng viên không nhiều. Vì vậy, khi thành lập Hội đồng trường dẫn tới chỉ tính bộ máy lãnh đạo đã chiếm khoảng 30% tổng số lượng giảng viên, viên chức, gây cồng kềnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết, nhà trường đã thành lập Hội đồng trường theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, tuy nhiên hoạt động của Hội đồng trường của nhà trường hoạt động chưa hiệu quả bởi lẽ thành phần tham gia Hội đồng trường chủ yếu vẫn là các cán bộ chủ chốt hiện tại của trường cộng thêm một số thành viên được bổ sung theo đúng quy định.
Trong khi đó, hiện nay, các trường cao đẳng rất khó khăn, mọi hoạt động trong trường đều dựa vào tuyển sinh. Đồng thời, số lượng cán bộ của trường còn ít, có trường chỉ có 40 - 50 cán bộ chưa kể các đơn vị còn đang thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm số lượng phòng ban. Trong khi đó, có trường mỗi năm chỉ tuyển sinh được hơn 100 em.
Vì vậy, việc có thêm chủ tịch Hội đồng trường với mức phụ cấp tương đương hiệu trưởng nhưng chức năng lại chưa thật sự rõ ràng, điều này không đảm bảo được tinh thần tiết kiệm.
"Nếu trường nào tự chủ hoàn toàn thì đương nhiên phải thành lập Hội đồng trường. Tuy nhiên hiện nay các trường cao đẳng công lập chưa tự chủ hoàn toàn. Do đó, tôi kiến nghị cần xem xét lại vai trò và sự cần thiết của Hội đồng trường đối với các trường cao đẳng để phù hợp với tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí và hội nhập”, thầy Tân chia sẻ.
Theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Khung trình độ quốc gia Việt Nam được cấu trúc gồm 8 bậc trình độ: Bậc 1: Sơ cấp I; Bậc 2: Sơ cấp II; Bậc 3: Sơ cấp III; Bậc 4: Trung cấp; Bậc 5: Cao đẳng; Bậc 6: Đại học; Bậc 7: Thạc sĩ; Bậc 8: Tiến sĩ.
Chính vì vậy, đa số các ý kiến cho rằng để giải quyết bài toán về liên thông của hệ cao đẳng, trước tiên cần đưa cao đẳng trở về cấp độ 5, tức là thuộc về giáo dục đại học.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Ân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ chia sẻ, trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã quy định rất rõ về hội đồng trường và trong Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH của của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã quy định về điều kiện thành lập, tổ chức hội đồng trường các trường cao đẳng.
Các trường hiện nay đang đối diện với hai khía cạnh là tự chủ và không tự chủ, vậy đặt trong bối cảnh này, việc sử dụng Hội đồng trường có phù hợp không? Thầy Ân cho biết, Hội đồng trường theo Luật Giáo dục đại học và Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH đều quy định đó là ý kiến cao nhất quyết định mọi vấn đề của một trường đại học và một trường cao đẳng.
Hiện nay, đối với các trường đại học, cao đẳng công lập chưa tự chủ hoàn toàn thì cơ quan quản lý trực tiếp vẫn là các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
Đối với các cơ sở giáo dục này dù thành lập Hội đồng trường thì mọi chủ trương Hiệu trưởng vừa phải báo cáo Hội đồng trường vừa cần xin ý kiến cơ quan quản lý trực tiếp. Sau khi được cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt, việc triển khai sẽ do các sở, ban, ngành liên quan giám sát thực hiện.
Chưa kể, nếu trường do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố là cơ quan quản lý trực tiếp thì bản thân địa phương có Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh..... đây là những cơ quan phụ trách về tài chính, nhân sự, thanh kiểm tra hoạt động của nhà trường.
Trong khi đó, Hội đồng trường cũng thực hiện các công việc tương tự. Điều này tạo ra sự chồng chéo trong hệ thống quản lý, làm cho quy trình vận hành trở nên cồng kềnh và kém hiệu quả.
Có trường hợp khi Hiệu trưởng báo cáo với Hội đồng trường, sau đó báo cáo với lãnh đạo cơ quản quản lý trực tiếp, nhận ý kiến phê duyệt của cấp trên nhưng Hội đồng trường lại không thông qua. Trong khi, Hội đồng trường lại không quyết định được việc có triển khai tiếp hay không. Đó là chưa tính đến những trường hợp Hiệu trưởng và chủ tịch Hội đồng trường không đồng nhất trong quyết sách phát triển trường thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Nhìn nhận từ thực tế, thầy Ân đánh giá, hoạt động của Hội đồng trường ở trường cao đẳng kém hiệu quả, bộ máy cồng kềnh chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Từ góc độ chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục để tạo sự đồng bộ, nhất quán trong hệ thống giáo dục đại học trên toàn quốc.
Việc “gom về một mối” về mặt quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học, cao đẳng sẽ tránh được tình trạng một công việc chia cho nhiều bên quản lý khác nhau. Đồng thời, cách làm này cũng đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 18, vừa tinh gọn bộ máy, vừa tạo sự quản lý đồng bộ, thống nhất.
Về vấn đề quản trị, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, hiện chỉ mới có 23 trường đại học công lập được quyền thí điểm thực hiện tự chủ đại học, các trường đại họccòn lại vẫn đang được hoạt động theo cơ chế chủ quản tức là có cơ quan quản lý trực tiếp.
Đối với cơ sở giáo dục đại học tự chủ hoàn toàn thì quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho một tập thể lãnh đạo có trí tuệ (tức Hội đồng trường), không thể trao cho cá nhân Hiệu trưởng. Do đó chỉ các trường đại học công lập được tự chủ hoàn toàn mới thực sự cần có Hội đồng trường.
"Hoàn toàn không hợp lý khi thành lập đại trà Hội đồng trường ở cả những trường còn chưa được chuyển qua cơ chế tự chủ, tức là vẫn có cơ quan quản lý trực tiếp. Do đó khi chuyển giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước thì chưa nên thành lập Hội đồng trường ở trường cao đẳng như đã quy định với các cơ sở giáo dục đại học tại Luật Giáo dục đại học 2018", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.