Chưa ngã ngũ…
Từng có những tranh luận liên quan đến bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế; song dường như chủ đề này chưa ngã ngũ.
Làm thế nào để khẳng định bài báo đó có chất lượng, tạp chí đó uy tín? Thay vì “sùng bái” bài báo khoa học quốc tế, chúng ta nên xây dựng và phát triển một số tạp chí trong nước thực sự uy tín, đẳng cấp... Hàng loạt giả thiết, ý kiến xung quanh vấn đề này được các nhà khoa học mổ xẻ.
Khách quan mà nói, không thể phủ nhận nhiều tạp chí quốc tế có thương hiệu, uy tín, với quy trình đánh giá, phản biện nghiêm túc, chặt chẽ. Một số tạp chí không chỉ đánh giá chất lượng, mà còn có hậu kiểm. Thậm chí, có tạp chí yêu cầu thời gian phản biện dài và khắt khe. Vì thế, việc nhà khoa học được đăng bài trên những tạp chí này là vinh dự và thực sự “đẳng cấp”.
Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, nếu chỉ dựa vào tiêu chí định lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế để đánh giá nhà khoa học thì dường như chưa toàn diện. Thứ nữa, đó là tạp chí quốc tế nào? Từ đây, có chuyên gia đề xuất, cần siết lại định nghĩa bài báo quốc tế uy tín để không bị đánh đồng với bài được đăng trên các tạp chí nước ngoài.
Mặt khác, cần nhìn nhận lại cách đánh giá chất lượng tạp chí khoa học. Điều này đồng nghĩa việc không thể xây dựng bộ tiêu chí với đầy đủ thang đo phù hợp cho tạp chí ở nhiều ngành, lĩnh vực; bởi giữa các ngành có sự khác nhau về đo lường giá trị.
Cũng không nên dùng hệ thống Scopus hoặc ISI như thang đo duy nhất để đánh giá một tạp chí cụ thể. PGS.TS Trần Thanh Long, làm việc trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, ngành Khoa học máy tính, Trường ĐH Warwick (Vương quốc Anh) cho rằng, nên điều tra nội dung tạp chí và ban biên tập.
Chẳng hạn, nếu ban biên tập gồm nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu của ngành và/hoặc có nhiều nhà nghiên cứu giỏi đăng bài ở đó, nhiều khả năng đó là tạp chí chất lượng tốt. Ngoài ra, có thể lập ủy ban khoa học cho từng phân ngành, gồm những nhà nghiên cứu hàng đầu, có uy tín lĩnh vực đó; quan trọng nhất phải khách quan.
Ủy ban này chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống đánh giá riêng cho lĩnh vực và đánh giá từng tạp chí có liên quan, đồng thời thực hiện đánh giá định kỳ, cách chọn lựa thành viên cần minh bạch, có trách nhiệm. Hệ thống đánh giá được Vương quốc Anh sử dụng, với chu kỳ 6 - 7 năm và cho điểm mỗi bài báo từ 1 đến 4 sao (4 sao là chất lượng cao nhất và có ảnh hưởng lớn trên thế giới, 1 sao là chất lượng rất thấp).
Suy cho cùng, dù là bộ tiêu chí nào, hay chất lượng tạp chí ra sao thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Theo đó, hội đồng đánh giá phải đủ năng lực, thực sự liêm chính, chứ không dựa vào tạp chí ở danh mục, bảng xếp hạng, nhà xuất bản kia.
Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu khoa học là không được ngụy tạo dữ liệu và chỉnh sửa kết quả. Tuân thủ quy chuẩn, đạo đức, văn hóa trong nghiên cứu khoa học góp phần đảm bảo chất lượng công trình nghiên cứu; trên hết là tính trung thực, độ tin cậy và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chua-nga-ngu-post667461.html