Chúa Nguyễn Phúc Khoát - người 'khai sinh' áo dài Việt Nam

Lần đầu tiên, tỉnh TT-Huế tổ chức lễ hành hương về lăng mộ, lễ diễu hành áo dài để tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, người được xem là ông tổ 'khai sinh' áo dài Việt Nam.

Lần đầu tiên, tỉnh TT-Huế tổ chức lễ hành hương về lăng mộ, lễ diễu hành áo dài để tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, người được xem là ông tổ "khai sinh" áo dài Việt Nam.

Đoàn rước tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát đi qua Kinh thành Huế.

Đoàn rước tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát đi qua Kinh thành Huế.

Ngày 9-7, tại khu vực lăng Trường Thái (xã Hương Thọ, TX Hương Trà, TT- Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 255 chúa Nguyễn Phúc Khoát để tưởng nhớ, tri ân người "khai sinh" áo dài Việt Nam. Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đã đại diện dâng hương. Sau khi dâng hương tại lăng chúa, mọi người tiếp tục di chuyển về khu vực Đại Nội ở Kinh thành Huế để tham dự lễ diễu hành, dâng hoa tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát tại Triệu Tổ miếu.

Hơn 300 người gồm đội nghi thức đến từ Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế, người mẫu mang trên mình những bộ áo dài truyền thống đã tham dự lễ diễu hành. Đoàn rước đi dọc đường 23-8, ngang Ngọ Môn rồi tiến về cửa Hiển Nhơn đi vào khu vực Triệu Tổ miếu. Trong tiếng lễ nhạc cung đình trang trọng, đoàn áo dài đã thu hút rất đông sự tò mò, thích thú của du khách đang tham quan Đại nội Huế. Sau khi vào đến khu vực Triệu Tổ miếu, đại diện lãnh đạo tỉnh TT-Huế, các nhà thiết kế áo dài đã dâng hoa và dâng hương trên khu vực bàn thờ chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt trong miếu.

Trước đó, chiều 8-7, tỉnh TT-Huế cũng tổ chức hội thảo khoa học "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam". Việc tổ chức hội thảo lần này, nhằm nhấn mạnh về tầm quan trọng và ý nghĩa của công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị áo dài truyền thống Huế, đưa áo dài đến gần hơn trong cộng đồng, đồng thời tạo tiền đề để các ngành chức năng xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hình ảnh áo dài đã được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ, đặc biệt là trong suốt 20 năm qua Huế được biết đến là cái "nôi" về tổ chức các hoạt động trình diễn Áo dài tại các kỳ lễ hội Festival và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền núi Ngự, sông Hương... Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, đại biểu đã trao đổi, thảo luận các chủ đề như: Những cải cách trang phục đối với áo dài Việt Nam và những đóng góp về quy định trang phục cung đình, trang phục dân gian trong phạm vi toàn quốc; phân tích và đánh giá các giá trị đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng...

Theo TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Sở VH- TT tỉnh TT-Huế, áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống, niềm tự hào và là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. TS Phan Thanh Hải cho biết, hội thảo "Huế- Kinh đô Áo dài" cũng là nhằm tri ân Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người đã có công trong việc cải cách trang phục Đàng Trong góp phần khai sáng áo dài; và tri ân vua Minh Mạng có công trong việc nâng tầm, tôn vinh Áo dài trở thành quốc phục của nước ta; chứng minh việc cải cách trang phục nhằm mục đích thể hiện tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại; tạo cơ sở quan trọng cho sự hình thành, phát triển chiếc Áo dài và dần chính thức trở thành quốc phục của dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Đồng thời, khẳng định Huế là cái nôi và kinh đô của áo dài Việt Nam - nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của áo dài Việt Nam. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều nghệ nhân may áo dài với tay nghề điêu luyện, cùng đội ngũ những người thợ may chuyên nghiệp đã thể hiện rõ vị trí và vai trò áo dài truyền thống trong đời sống văn hóa Huế qua các giai đoạn lịch sử; để từng bước xây dựng cũng như khẳng định "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam".

H.LAN

Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), húy là Hiểu, hiệu Vũ vương, là vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Nhiều cải cách được ban hành trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát trị vì như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Bộ máy hành chính chia làm 6 bộ, gồm: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Vì vậy, áo dài được hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_227748_chua-nguyen-phuc-khoat-nguoi-khai-sinh-ao-dai-.aspx