Chưa phát hiện hư hỏng cầu Phước Khánh sau vụ tàu đâm gãy cẩu tháp
Theo báo cáo của VEC, giá trị sơ bộ của các thiệt hại trong vụ việc tàu containet Phúc Khánh va tàu vào cần cẩu tháp thi công cầu dây văng Phước Khánh khoảng 20 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc tàu chở container Phúc Khánh mất lái, va vào cần cẩu tháp phục vụ thi công cầu dây văng Phước Khánh dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành ngày 21/2 vừa qua, phía Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết theo đánh giá sơ bộ chưa phát hiện thấy hư hỏng kết cấu chính của công trình.
Theo báo cáo của VEC, giá trị sơ bộ của các thiệt hại sự cố trên khoảng 20 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí mua, lắp dựng lại cẩu tháp. Tuy nhiên, chủ đầu tư và các bên liên quan sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá và báo cáo về các hư hại khác (nếu có).
Cụ thể, sau khi tàu mất lái, va chạm với sà lan làm đổi hướng va vào cần cẩu tháp phục vụ thi công cầu dây văng Phước Khánh đã làm toàn bộ cẩu tháp phục vụ thi công trụ P16 (bao gồm thân cẩu tháp, hệ thanh giằng và hệ móng cọc) hiện đã đổ sập và chìm dưới sông; xe treo thi công đúc hẫng kết cấu phần trên bị hư hại nhẹ; kết cấu chống va xô (dạng “múi khế”) phía hạ lưu tại dầm ngang dưới trụ tháp P16 bị vỡ lớp bê tông bảo vệ.
“Trụ tháp cầu dây văng Phước Khánh được thiết kế va tàu trực tiếp vào thân trụ với tải trọng tàu thiết kế 20.000 tấn, vận tốc tàu 5m/s; trong khi thông số tàu Phúc Khánh được cấp có tải trọng là 8.239 tấn, vận tốc hành hải qua khu vực cầu đã được hạn chế xuống khoảng 7 knot (tương đương 3,5m/s). Thêm vào đó, vận tốc này cũng đã bị giảm đi sau khi sập máy chính và thả neo nên theo đánh giá sơ bộ, chưa phát hiện thấy hư hỏng kết cấu chính của công trình,” ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC thông tin.
Ông Chung cho biết chi phí bồi thường thiệt hại và chi phí khắc phục sẽ do tổ chức, cá nhân gây ra sự cố chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật liên quan (cụ thể ở đây trách nhiệm thuộc về chủ tàu Phúc Khánh, thông qua các tổ chức điều tra giám định, bảo hiểm phía chủ tàu).
Tuy nhiên, ông Chung cho rằng ngoài các thiệt hại vật chất được đánh giá, giám định theo thực tế do cần có thời gian thực hiện công tác điều tra giám định, kết luận, thương thảo giữa các bên và thời gian khắc phục thiệt hại, thì thời gian chuẩn bị tái khởi động gói thầu cũng sẽ bị kéo dài, dẫn đến phát sinh bổ sung chi phí dừng chờ, kéo dài. Phần chi phí này cần được xem xét, thương thảo trong quá trình xử lý, khắc phục.
Hiện tại, VEC và các bên liên quan vẫn đang khẩn trương tiếp tục thực hiện công tác khảo sát, đánh giá mức độ hư hỏng, phối hợp điều tra giám định thiệt hại, thương thảo, khắc phục các thiệt hại.
Đề cập đến tình hình thi công cầu dây văng Phước Khánh, theo ông Chung, hiện tại, VEC đã thi công hoàn thành toàn bộ phần móng cọc và trụ tháp cầu; phần dầm thi công xong khối đỉnh trụ. Từ tháng 1/2019 đến nay, Tổng công ty chưa được bố trí kế hoạch vốn do vướng quy định tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội yêu cầu: “Chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam.”
Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 21/2, tàu Phúc Khánh (quốc tịch Việt Nam, số hiệu GT6701, tải trọng thiết kế 8.239 DWT) chở theo 357 container, xuất phát từ cảng Bến Nghé (Thành phố Hồ Chí Minh) đi cảng Hải Phòng qua luồng tàu sông Lòng Tàu.
Khi tàu lưu thông đến khu vực thi công công trình cầu dây văng Phước Khánh (gói thầu J3) thì bị sập máy chính và mất điều khiển, trôi sang phía luồng ngược lại và va quệt vào một sà lan, sau đó quay ngang và va tiếp vào cẩu tháp phục vụ thi công trụ tháp P16 ở phía hạ lưu, bờ Đồng Nai vào lúc 8 giờ 36 phút. Vụ va chạm làm sập toàn bộ cẩu tháp và kéo rơi một số container xuống sông.
Để đảm bảo an toàn cho tàu (do tàu nằm trên bệ cọc của cẩu tháp trong khi nước đang xuống) và không ảnh hưởng đến khai thác luồng hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo kéo tàu ra khỏi vị trí tai nạn (vào lúc 12 giờ 30 phút), định vị, trục vớt các container rơi và kéo tàu về cảng Bến Nghé./.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết tàu Phúc Khánh là tàu biển chuyên chở container, được đóng năm 2004 tại Trung Quốc, đăng ký quốc tịch Việt Nam, số IMO 09318905. Chủ tàu theo giấy chứng nhận đăng ký là Công ty Global Logistic Service Co.Ltd. Giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp ngày 7/9/2020 và có hiệu lực đến ngày 16/10/2024.