Chưa phát hiện yếu tố phá hoại làm mặt đường đèo Prenn bong tróc

Trên đèo Prenn có 13 vị trí bị đổ hóa chất làm bong tróc nhẹ mặt đường nhưng chưa phát hiệu có dấu hiệu phá hoại.

Ngày 6-6, UBND TP Đà Lạt đã báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đèo Prenn Đà Lạt bị đổ hóa chất lạ, gây hư mặt đường mà Báo Người Lao Động thông tin.

Video: Làm rõ việc đèo Prenn bị đổ hóa chất lạ gây hỏng mặt đường

Sau khi nhận thông tin, UBND TP Đà Lạt, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, phòng ban thuộc Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, xác định nguyên nhân bong tróc mặt đường đèo Prenn.

Theo kết quả kiểm tra, trên đèo Prenn có 13 vị trí có dấu vết hóa chất đổ ra đường làm ảnh hưởng đến nhựa đường. Cơ quan chức năng phát hiện mặt đường bê tông nhựa bị bong tróc tại vị trí từ Km 225+700 đến Km 225+950 làm ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường.

Ghi nhận tại các điểm đổ hóa chất và điểm bong tróc mặt đường từ Km 225+700 đến Km 225+950 nằm ở đoạn đường cong với bán kính nhỏ, độ dốc lớn nên khi ô tô lưu thông qua đây với vận tốc cao có thể làm một phần dầu từ bình chứa nhiên liệu bị rơi vãi xuống mặt đường. Do lượng phương tiện lưu thông lớn, tình trạng diễn ra trong thời gian dài làm một số lượng lớn dầu đổ xuống mặt nhựa đường gây bong tróc mặt đường.

Vệt hóa chất kéo dài từ đoạn Km 225+700 đến Km 225+950

Vệt hóa chất kéo dài từ đoạn Km 225+700 đến Km 225+950

Hiện tại, cơ quan chức năng chưa ghi nhận, xác định có dấu hiệu phá hoại trong việc đổ hóa chất trong vụ việc đèo Prenn bị bong tróc mặt đường.

UBND TP Đà Lạt kiến nghị Sở GTVT đề nghị nhà thầu thi công dự án mở rộng đèo Prenn phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu hóa chất đi thí nghiệm, đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với kết cấu chịu lực của mặt đường. Sau khi có kết quả thì có đề xuất giải pháp khắc phục hư hỏng nêu trên.

Rà soát, đề xuất tăng cường biển báo hạn chế tốc độ khi vào đường cong nhỏ đối với phương tiện chở khách lớn và nghiên cứu bố trí lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các đoạn đường cong trên.

Hóa chất làm đá mất tính kết dính với bê tông nhựa và trồi lên mặt đường khi ma sát với xe đi qua.

Hóa chất làm đá mất tính kết dính với bê tông nhựa và trồi lên mặt đường khi ma sát với xe đi qua.

Trước đó, Báo Người Lao Động thông tin một đoạn đường cong khoảng 250 m trên đèo Prenn, gần khu du lịch thác Đatanla hướng về Liên Khương bị bong tróc đá mặt đường nghi do hóa chất gây ra. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị liên quan lập tức vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Trường Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chua-phat-hien-yeu-to-pha-hoai-lam-mat-duong-deo-prenn-bong-troc-196240606095434457.htm