Chùa, phủ thanh vắng trước Rằm
14 tháng Giêng, mưa phùn nên dù đang cao điểm lễ hội nhưng người dân, du khách đi lễ chùa, tham quan điểm di tích không quá đông.
Theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ngày 23-2, công tác tổ chức lễ hội cũng như các hoạt động tại đình, đền, chùa diễn ra khá quy củ, bình yên.
Cụ thể, tại đền Voi Phục, sáng 23-2, diễn ra lễ khai mạc lễ hội truyền thống “Tế khai sắc, rước khai xuân”, khai ấn Lý triều Đại Vương “Trấn Tây Thượng Đẳng”.
Năm nay, bên cạnh nghi thức rước chân nhang Đức Thánh và Thánh Mẫu, trong lễ hội truyền thống “Tế khai sắc, rước khai xuân” Giáp Thìn 2024 còn tiếp tục thực hiện nghi thức khai ấn. Không gian của đền Voi Phục được trang hoàng đậm sắc xuân, cảnh quan sạch đẹp. Lễ hội diễn ra theo đúng tinh thần truyền thống với lễ rước trang nghiêm.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nhấn mạnh, lễ hội nhằm phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
* Tại chùa Hà (quận Cầu Giấy), thời điểm ghi nhận vào trưa ngày 23-2, người dân đi lễ không quá đông. Công tác tổ chức, hướng dẫn người dân sắp lễ, bày lễ quy củ.
Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Cường thông tin, chuẩn bị cho mùa lễ hội cũng như công tác chiêm bái lễ phật tại chùa Hà diễn ra tốt đẹp, từ trước Tết Nguyên đán, quận Cầu Giấy đã triển khai thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý, sắp lễ tại chùa Hà.
Tiểu Ban quản lý di tích chùa Hà cũng chủ động chỉnh trang cảnh quan; vệ sinh thường xuyên khuôn viên và các khu vực hành lễ. Điểm mới năm nay là đã thực hiện số hóa với mã quét QR code để người dân và du khách dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin về di tích.
* Tại phủ Tây Hồ, ghi nhận ngày 23-2, cảnh quan, môi trường gọn gàng. Khu vực trông giữ xe có người hướng dẫn với giá niêm yết (xe máy gửi ban ngày 5.000 đồng/xe, buổi tối 8.000 đồng/xe; xe ô tô dưới 20 chỗ 20.000 đồng/xe. Các hàng quán ở ngoài phủ gọn gàng, quy củ. Ban quản lý bố trí khu vực viết sớ riêng; khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo Trưởng ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ Trương Tiến Hồi, từ lâu Ban Quản lý đã không cho phép đốt hương ở khu nội tự; không đốt mã tại phủ. Người đi lễ chỉ đốt tiền vàng truyền thống.
“Khoảng 3 năm trở lại đây, việc đốt tiền vàng đã giảm hẳn, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường”, ông Hồi nói.
Theo UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ), từ Tết đến nay, phủ Tây Hồ luôn đón nhận lượng khách đông, có thời điểm tại đây trông giữ hơn 10.000 phương tiện ô tô và xe máy. Tuy khách tập trung đông nhưng đến nay, chưa ghi nhận hiện tượng trộm cắp.
* Tại đền Quán Thánh, chùa Phúc Khánh, ghi nhận đến 15h ngày 23-2, lượng khách chiêm bái thưa thớt. Người dân đi lễ trong trật tự, văn minh. Tại chùa Phúc Khánh, không tổ chức các khóa lễ cầu an vào Rằm tháng Giêng, tránh tập trung đông người, gây ùn tắc giao thông khu vực.
Đánh giá công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng nhận xét, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thu hút lượng lớn người dân và du khách hành lễ trên địa bàn Hà Nội cơ bản đều có phương án tổ chức bài bản, đúng quy định. Đến nay, chưa ghi nhận vi phạm nào.
Tuy nhiên, ông Bùi Minh Hoàng cho rằng, ngày Rằm tháng Giêng có thể lượng khách đi lễ sẽ đông. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích cần tập trung lực lượng để hướng dẫn du khách chu đáo; tuyên truyền người dân đi lễ văn minh. Các cơ sở đặc biệt chú ý vấn đề phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, cảnh quan, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng đánh giá, đến nay, công tác quản lý, tổ chức lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội khá tốt, cho thấy sự chỉ đạo thông suốt của các cấp chính quyền cũng như sự chuyển biến trong nhận thức của người đi lễ.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chua-phu-thanh-vang-truoc-ram-659082.html