Chùa Phước Hải (Q.1) không tổ chức các hoạt động lễ hội, thu tiền công đức tài trợ cho di tích
Đó là khẳng định của Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng) - Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Q.1 vào sáng 18-3.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Kim Hiền, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Q.1, Trưởng đoàn kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Q.1 cho biết nội dung của buổi làm việc là kiểm tra việc tiếp nhận quản lý tiền công đức, tài trợ tại các cơ sở di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép thu - chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.
Ông trưởng đoàn cũng khẳng định, nội dung kiểm tra đợt này không liên quan đến tiền công đức tài trợ cho các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.
Căn cứ vào nội dung văn bản kiểm tra, Đại đức Thích Minh Thông báo cáo đến đại diện đoàn kiểm tra việc chùa chỉ tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ nghi tôn giáo trong phạm vi nội bộ chứ không tổ chức các hoạt động lễ hội, nên không có các khoản thu nào từ các hoạt động này.
“Chùa Phước Hải là cơ sở tôn giáo thuộc quản lý của GHPGVN nên chỉ tổ chức các hoạt động nghi lễ tôn giáo định kỳ vào các dịp Phật đản, Vu lan. Mặc dù là di tích nhưng ngày vía Ngọc Hoàng trong năm, chùa chỉ mở cửa để bá tánh thập phương đến lễ bái chứ không tổ chức bất kỳ hoạt động lễ hội nào”, Đại đức Thích Minh Thông cho biết thêm.
Ngoài ra, theo báo cáo của Đại đức trụ trì, chùa Phước Hải cũng không nhận bất kỳ khoản tiền nào liên quan đến việc tài trợ di tích của người dân, Phật tử hay khách thập phương mà Phật tử, khách thập Phương khi đến chùa thường cúng dường các khoản để phục vụ các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động từ thiện, an sinh xã hội mà chùa thực hiện đều do Phật tử, mạnh thường quân phát tâm hỗ trợ theo từng chương trình.
Sau khi lắng nghe báo cáo của Đại đức trụ trì chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng), đại diện đoàn ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cơ sở sẽ gửi đến lãnh đạo TP.HCM.
Được biết, bên cạnh chùa Phước Hải, trong đợt kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Q.1, đoàn sẽ tiếp tục đến làm việc với các di tích như: Đền Đức thánh Trần Hưng Đạo, đình Nhơn Hòa, mộ ông Trịnh Hưng Kim, chùa Phụng Sơn, trụ sở báo Dân chúng, miếu Thiên Hậu, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Ten Lơ Man, chợ Tân Định, đình Nam Chơn, chùa Linh Sơn (đối tượng thuộc danh mục kiểm kê di tích của UBND Q.1)...
Chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) được xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15-10-1994. Chùa được xây dựng đầu thế kỷ XX, với kiến trúc mang đậm nét tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sinh sống trên địa bàn TP.HCM. Di tích này hiện có 80 hiện vật là tượng thờ, liễn đối, hoành phi, bài vị… bằng chất liệu gỗ, giấy bồi có giá trị rất lớn về mặt văn hóa, nghệ thuật.
Theo thời gian, chùa đang đối diện với tình trạng xuống cấp với lớp sơn tường bên trong và bên ngoài công trình đã bị ẩm, bong tróc; phần mái ngói bị hỏng dẫn đến nước mưa chảy dột vào chánh điện, ảnh hưởng đến kết cấu và tượng gỗ bên trong chánh điện mỗi khi mưa to.
Liên quan đến vấn đề trùng tu, sửa chữa chùa Phước Hải, Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa cho biết, năm 2014, Ban Quản lý chùa đã tham vấn, phối hợp với cơ quan chức năng Q.1, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM lập dự án xin tu sửa cấp thiết các hạng mục hư hỏng. Dự án đã được chấp thuận với nguồn ngân sách là 4 tỷ đồng, tuy nhiên khi thực hiện thì lại gặp khó khăn về kinh phí với các nhà thầu nên phải hủy bỏ.
Hiện nay, chùa đang tiến hành các thủ tục liên quan để tiếp tục có đơn đề nghị xin tu sửa di tích đang bị xuống cấp.