Chưa rõ hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại nộp tiền hay bỏ cọc

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố vẫn đang tiếp tục theo dõi để đánh giá tình hình sau đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm.

Ngày 14.3, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết hiện Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và môi trường vẫn đang thực hiện tham mưu đánh giá công tác đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm vừa qua để rút kinh nghiệm những điều làm được, chưa làm được và kinh nghiệm cho công tác đấu giá thời gian tới.

TP.HCM vẫn đang theo dõi tình hình để đánh giá công tác đấu thầu 4 lô đất ở Thủ Thiêm.

TP.HCM vẫn đang theo dõi tình hình để đánh giá công tác đấu thầu 4 lô đất ở Thủ Thiêm.

Theo ông Phan Văn Mãi, ngoài ha doanh nghiệp đã "bỏ cọc", hiện vẫn chưa rõ hai doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại nộp tiền hay là bỏ. "Hai doanh nghiệp kia đã rõ rồi, còn hai doanh nghiệp sau chưa rõ tình hình vì vẫn còn trong thời hạn 90 ngày theo quy định. Thành phố đang tiếp tục theo dõi tình hình để đánh giá. Chắc chắn phải có phương án" – Chủ tịch UBND TP nói.

Trước đó, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh cho biết, Cục Thuế TP đang áp dụng các giải pháp để xử lý, trong thời gian tới sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan, ban, ngành đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ.

Trước mắt, trong vòng dưới 90 ngày, Cục Thuế TP sẽ có thư nhắc nhở. Nếu quá 90 ngày không thực hiện thì cơ quan thuế có biện pháp cưỡng chế. "Các biện pháp cưỡng chế được áp dụng từng bước, từng cấp độ. Biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, đề nghị thu hồi dự án" - ông Lê Duy Minh nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ việc, Bộ Tư pháp vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất sau vụ việc bỏ cọc đấu giá "đất vàng" tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Quá trình rà soát, Bộ Tư pháp cho rằng những vấn đề phát sinh qua vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, các điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai.

Ngày 10.12.2021, tất cả 4 lô đất đều được đấu giá thành công với số tiền tổng cộng 37.346 tỉ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm.

Cụ thể, lô đất 3-5, diện tích 6.446,1 m2, được bán đấu giá thành công với giá 3.820 tỉ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm; lô đất 3-8 rộng 8.500 m2, qua 67 lượt trả giá đã đấu thắng với mức 4.000 tỉ đồng, tăng gần 4 lần so với giá khởi điểm; lô đất 3-9 diện tích 5.009,1 m2 có giá trúng 5.026 tỉ đồng, gấp 6,9 lần giá khởi điểm; lô đất 3-12 rộng 10.059 m2 có giá trúng 24.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó hai doanh nghiệp trúng lô đất 3-12 và 3-9 đã xin bỏ cọc, riêng hai doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền theo mốc ngày 6.2 của cơ quan thuế TP.HCM.

Trong một diễn biến có thể liên hệ, Bộ Tư pháp cũng vừa báo cáo về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất sau vụ việc đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết những vấn đề phát sinh qua vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, các điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai.

Cụ thể, khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản quy định "giá khởi điểm và việc xác định giá khởi điểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó trước khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản". Đối với quyền sử dụng đất, Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định 45/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và các nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Bộ Tư pháp nhận định việc xác định giá khởi điểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản. Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 2.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về việc xác định giá để làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, kinh tế xã hội từng địa phương.

Về điều kiện, báo cáo cho hay hiện nay Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá; còn tài sản cụ thể phải bán thông qua đấu giá, điều kiện đối với tài sản bán đấu giá, điều kiện đối với người được mua tài sản (người sở hữu, khai thác, sử dụng tài sản đấu giá) mang tính đặc thù đối với tài sản đó, do pháp luật trong từng lĩnh vực quy định. Do đó, không có cơ sở để sửa đổi, bổ sung luật Đấu giá tài sản đối với những nội dung này.

Theo Bộ Tư pháp, luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5 - 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá...

Hoài Lam (Một Thế Giới)

Quốc Anh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chua-ro-hai-doanh-nghiep-trung-dau-gia-dat-thu-thiem-con-lai-nop-tien-hay-bo-coc-34092.html