'Dừng máy, di dời, chuyển đổi' - Thông điệp cứng rắn gửi tới làng nghề Phong Khê

Ngày 4/7, tại UBND thành phố Bắc Ninh đã diễn ra Hội nghị bàn về kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật tại làng nghề Phong Khê, phường Phong Khê. Hội nghị tập trung vào các vấn đề môi trường và đất đai tại làng giấy Phong Khê.

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu nhấn mạnh quan điểm của thành phố: "Làng nghề vẫn ở đó, nhưng ô nhiễm phải dời đi", khẳng định Phong Khê sẽ gắn liền với những gì đẹp đẽ nhất với môi trường trong lành và tiếp tục phát triển.

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu nhấn mạnh quan điểm của thành phố: "Làng nghề vẫn ở đó, nhưng ô nhiễm phải dời đi", khẳng định Phong Khê sẽ gắn liền với những gì đẹp đẽ nhất với môi trường trong lành và tiếp tục phát triển.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu đã thông tin 8 nội dung chính của đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030” và đưa ra thông điệp mạnh mẽ: "Dừng máy, di dời, chuyển đổi". Theo đó, 228 doanh nghiệp sản xuất giấy tại làng nghề Phong Khê phải dừng hoạt động, di dời và chuyển đổi ngành nghề trước ngày 31/12/2024. Hai địa điểm được UBND thành phố Bắc Ninh đề xuất để di dời là Cụm công nghiệp Quảng Chu (Bắc Kạn) và Khu công nghiệp Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp tại Phong Khê bày tỏ lo ngại về việc mất việc làm và đề xuất lộ trình di dời chậm hơn. Họ mong muốn chính quyền có giải pháp phù hợp để đảm bảo an sinh xã hội.

Người dân làng nghề Phong Khê mong muốn có lộ trình di dời phù hợp

Tại Hội nghị, đại diện cho người dân làng nghề Phong Khê, Bí thư Tổ dân phố Trâm Khê đã bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương di dời để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Bí thư Tổ dân phố Trâm Khê cũng đề xuất một lộ trình di dời phù hợp hơn, kéo dài đến năm 2028, để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

“Hiện có tới hơn 95% hộ dân trong làng sống bằng nghề làm giấy. Nếu các doanh nghiệp phải dừng hoạt động ngay lập tức, hàng nghìn người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp” - Bí thư Tổ dân phố Trâm Khê nêu vấn đề.

"Dừng máy, di dời, chuyển đổi" - Thông điệp cứng rắn của Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh gửi tới làng nghề Phong Khê.

"Dừng máy, di dời, chuyển đổi" - Thông điệp cứng rắn của Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh gửi tới làng nghề Phong Khê.

Đại diện các tổ dân phố khác cũng nhấn mạnh, Phong Khê là một làng nghề truyền thống lâu đời, việc chuyển đổi cần được thực hiện một cách thận trọng để đảm bảo cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng quá lớn. Họ mong muốn chính quyền các cấp có những giải pháp hỗ trợ phù hợp để người dân có thể chuyển đổi nghề nghiệp và duy trì thu nhập ổn định.

Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh tính cấp bách của việc di dời làng nghề Phong Khê, không thể đánh đổi kinh tế để lấy sức khỏe và tương lai lâu dài của người dân.

Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh tính cấp bách của việc di dời làng nghề Phong Khê, không thể đánh đổi kinh tế để lấy sức khỏe và tương lai lâu dài của người dân.

Tính cấp bách của việc di dời làng nghề Phong Khê

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh sự cấp bách của việc di dời 228 doanh nghiệp sản xuất giấy ở làng nghề Phong Khê. Do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Đề án cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh khẳng định, vấn đề ở đây không còn là lộ trình di dời mà là việc thực hiện và nhận thức rõ ràng về tác hại của ô nhiễm đối với sức khỏe cộng đồng. Nhưng cũng phải làm rõ, đây là một làng nghề có truyền thống lâu đời, phải làm như thế nào, cũng cần phải cân nhắc. Chúng ta không xóa sổ một làng nghề mà có thể là chuyển đổi công năng từ sản xuất giấy sang đóng gói, bán giấy, vì đây làm một làng nghề truyền thống mà lịch sử để lại.

Đây không còn là vấn đề riêng của Phong Khê mà còn là vấn đề chung của thành phố, của tỉnh. Chúng ta phải nhận thức được sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe nhân dân và cần thiết phải đánh giá sự ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của người dân sinh sống ở đây. Không thể để 228 doanh nghiệp sai phạm mà ảnh hưởng đến 4.000 hộ với 12.000 nhân khẩu Phong Khê.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền như thế nào để bảo đảm an sinh và giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc di dời. Chúng ta cần phải làm tốt từ cơ sở, từ từng tổ dân phố để phân tích cái lợi, cái được, cái mất để người dân đồng thuận với chủ trương của thành phố, của tỉnh. Tuy nhiên, các tổ công tác đã nhận được phân công phải thực hiện nghiêm túc, phải vào cuộc quyết liệt. Như Thủ tướng đã nói, “không bàn lùi chỉ bàn làm, đồng chí nào thấy khó đứng sang một bên”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nghìn tỷ, trăm tỷ, có đánh đổi được sức khỏe không? Không thể đánh đổi kinh tế để lấy sức khỏe và tương lai lâu dài của người dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm.

Đồng tình với việc di dời các doanh nghiệp sản xuất giấy ra khỏi Phong Khê, ông Phan Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn và khả thi. Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh dẫn chứng trường hợp Khu công nghiệp Biên Hòa 1 rộng hơn 300ha tại Đồng Nai cũng phải di dời để chuyển đổi thành khu đô thị, dịch vụ, thương mại do ô nhiễm nước thải nghiêm trọng. Thậm chí, ngay cả Thủ đô Hà Nội, cận kề tỉnh Bắc Ninh cũng đã di dời nhiều trường đại học ra ngoại thành để giảm tải áp lực lên môi trường sống.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cũng chỉ ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy lâu đời vẫn có thể hoạt động tốt nếu xử lý môi trường hiệu quả, đơn cử như Công ty giấy Bãi Bằng. Do đó, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh, việc di dời các doanh nghiệp tại Phong Khê là cần thiết, nhưng các doanh nghiệp này vẫn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường tại địa điểm mới.

Phát biểu tại Hội nghị, nhà báo Đào Đình Khoa, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh nhấn mạnh rằng, Phong Khê đã phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua và ví von tình trạng này như "sản xuất giấy xuất đi, nhưng ô nhiễm môi trường thì ở lại".

Nhà báo Đào Đình Khoa cho rằng, đây là bài toán khó cho cả người dân và chính quyền, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ để giải quyết. Đồng thời, đồng tình với quan điểm của Phó Giám đốc Công an tỉnh, rằng "ai thấy khó, đứng sang một bên", lộ trình và thời hạn đã có, chỉ còn chờ cách thực hiện, tại hội nghị này, chúng ta chỉ "bàn tiến, không bàn lùi" để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại Phong Khê.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh đề xuất giải pháp giám sát an ninh tại làng nghề Phong Khê.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh đề xuất giải pháp giám sát an ninh tại làng nghề Phong Khê.

Đề xuất giải pháp giám sát an ninh tại làng nghề Phong Khê

Đồng tình với các ý kiến tại Hội nghị về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Phong Khê, ông Nguyễn Trung Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh cho rằng, cần phải quan tâm đến an toàn an ninh trên địa bàn trong quá trình xử lý.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh đề xuất bổ sung hệ thống camera giám sát để giải quyết tình trạng các doanh nghiệp không tuân thủ quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất. Theo ông, việc giám sát bằng camera sẽ giúp phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, đồng thời nâng cao tính răn đe, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm môi trường.

Ngoài những ý kiến trên, hội nghị cũng đã nhận được nhiều ý kiến và sự quan tâm của đông đảo đại biểu, đại diện các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Hội nghị được đánh giá là một bước tiến quan trọng và mang tính lịch sử trong việc đảm bảo an ninh trật tự và khẳng định quyết tâm giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Phong Khê để bảo vệ sức khỏe người dân và hướng tới sự phát triển bền vững của thành phố.

Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu đã gửi lời cảm ơn đến các Sở, ban, ngành về những đóng góp và giải pháp được đưa ra, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của thành phố: "Làng nghề vẫn ở đó, nhưng ô nhiễm phải dời đi", khẳng định Phong Khê sẽ gắn liền với những gì đẹp đẽ nhất với môi trường trong lành và tiếp tục phát triển.

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh đưa ra thông điệp cứng rắn: "Dừng máy, di dời, chuyển đổi" đối với làng nghề Phong Khê, kế hoạch có rồi, lãnh đạo cấp trên phê duyệt rồi, việc của chúng ta là thực hiện và yêu cầu các doanh nghiệp dừng sản xuất trước ngày 5/12, di dời trước ngày 15/12 và hoàn thành chuyển đổi trước 31/12/2024.

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dung-may-di-doi-chuyen-doi-thong-diep-cung-ran-gui-toi-lang-nghe-phong-khe-378687.html