Chưa rõ nguồn gốc hai bãi cọc Cao Quỳ, Đầm Thượng

TS Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học, cho biết các nhà khoa học vẫn chờ giám định xem các bãi cọc Cao Quỳ, Đầm Thượng ở Hải Phòng có từ bao giờ.

Tại hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc năm 2020 tổ chức tại Hải Phòng vào ngày 29 và 30-9, TS Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết các mẫu gỗ và đất tại các bãi cọc Cao Quỳ, Đầm Thượng vẫn đang được phân tích để xác định các bãi cọc này có phải có từ trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 hay không.

Hai bãi cọc ven sông Đá Bạc

TS Hiếu cho biết tại bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), các nhà khoa học đã thực hiện hai đợt khai quật. Lần thứ nhất thực hiện từ ngày 27-11 đến 19-12-2019 với ba hố khai quật tổng diện tích hơn 1.000 m2, phát hiện được 27 cọc gỗ. Tiếp đó, từ giữa tháng 3-2020 tới nay, đoàn khảo cổ thực hiện ba đợt khai quật với sáu hố khai quật, ba hố thám sát trên diện tích hơn 870 m2, phát hiện thêm 13 cọc gỗ.

Các cọc tại bãi cọc Cao Quỳ chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim, có đường kính nhỏ nhất 6 cm, trung bình khoảng 28-32 cm, lớn nhất lên tới 60 cm, đa số được chôn thẳng đứng hoặc nghiêng. Các đầu cọc được tìm thấy có đầu cọc bị gãy, mòn tạo thành các lỗ hoặc khe nứt, chân cọc khá phẳng. Cọc chìm sâu xuống bùn, được ấn xuống bằng lực lớn hoặc đào hố chôn xuống.

Từ tháng 2-2020, đoàn khảo cổ cũng đã tiến hành khai quật khu vực Đầm Thượng (thôn 11, xã Lại Xuân) nằm bên bờ đê sông Đá Bạc. Đoàn khảo cổ đã đào các hố khai quật H1, H2, H4 và hố thám sát TS1.

Tại hố H1, trên khu vực ao nhà ông Đào Văn Đến ở thôn 11 Phi Liệt (xã Lại Xuân), đoàn khảo cổ phát hiện 11 cọc gỗ. Tại hố khai quật H2, phát hiện sáu cọc gỗ chỉ còn một đoạn ngắn dưới chân, cắm nông xuống bùn. Tại hố H4, phát hiện 19 cọc gỗ dài trên dưới 1 m và hai mảnh gỗ.

Các cọc tại Đầm Thượng được khai quật có chiều dài từ hơn 2,6 m đến hơn 2,8 m, đường kính trung bình 11-16 cm, cọc kích thước lớn nhất đường kính 26-32 cm. Hầu hết cọc đều cắm thẳng xuống đầm lầy, cắm từ 2 m đến 2,5 m. Bãi cọc Đầm Thượng được đoàn khảo cổ xác định phân bố ít nhất cũng trong phạm vi 100 m chiều đông - tây và 90 m chiều bắc - nam.

Tuy nhiên, thông tin mà đoàn khảo cổ thu thập từ người dân khu vực thì phạm vi bãi cọc có thể dài 400 m theo chiều bắc - nam, gần 250 m theo chiều đông - tây.

Các cọc tại bãi cọc Cao Quỳ chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim, đa số được chôn thẳng đứng hoặc nghiêng. Ảnh: ĐH

Các cọc tại bãi cọc Cao Quỳ chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim, đa số được chôn thẳng đứng hoặc nghiêng. Ảnh: ĐH

Bãi cọc Đầm Thượng có thể là một trong những điểm đánh chặn, tiêu diệt chiến thuyền của quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288. Ảnh: ĐH

Bãi cọc Đầm Thượng có thể là một trong những điểm đánh chặn, tiêu diệt chiến thuyền của quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288. Ảnh: ĐH

Liên quan trận chiến chống quân Nguyên năm 1288

TS Hiếu cho biết đoàn khảo cổ xác định các cọc tại Cao Quỳ, Đầm Thượng không phải là cọc kiến trúc, cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho các mục đích dân sinh khác. Các cọc chủ yếu nằm ở tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập mặn ven sông.

Theo TS Hiếu, đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. “Bãi cọc được đóng từ bao giờ? Ai là chủ nhân của bãi cọc? Đây là câu hỏi đang được tiếp tục nghiên cứu. Các mẫu gỗ và mẫu đất đang được tiến hành phân tích” - TS Hiếu nói.

Cùng với việc bảo tồn, công nhận di tích, TS Bùi Văn Hiếu cho rằng cần mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học một số di tích thuộc tổng Trúc Động xưa (huyện Thủy Nguyên ngày nay) và khu vực lân cận để xây dựng hồ sơ đầy đủ cho các di tích liên quan hoặc cùng loại ở khu vực.

TS Hiếu cho rằng di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại khoảng thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của triều Trần. Trận địa bãi cọc có thể được dùng để chặn tàu giặc, không cho tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng.

Còn bãi cọc Đầm Thượng có thể là một trong những điểm đánh chặn, tiêu diệt chiến thuyền của quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288.

TS Hiếu cho biết đoàn khai quật đã kiến nghị tiếp tục thực hiện khai quật mở rộng các khu vực có cọc và tiến hành nghiên cứu, phân tích các mẫu gỗ, mẫu đất nhằm làm rõ đặc điểm và chức năng của di tích bãi cọc khu vực.

Sẽ lập hồ sơ để công nhận di tích lịch sử

Trong phiên thảo luận sáng 30-9, Tiểu ban khảo cổ học dưới nước đã thảo luận về quá trình phát hiện, nghiên cứu, các kết quả thu được tại bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê) và bãi cọc Đầm Thượng (xã Lại Xuân). Các nhà khoa học tiếp tục bàn thảo về các giả thuyết liên quan tới bãi cọc, đồng thời khẳng định giá trị lịch sử của quần thể di tích Bạch Đằng. Việc xác định niên đại và giá trị lịch sử của các bãi cọc vẫn đang được nghiên cứu. Các nhà khoa học cũng cho rằng việc bảo tồn di vật gỗ đã khai quật tại Thủy Nguyên là hết sức cần thiết. Cùng với việc đưa ra phương án bảo tồn, bảo quản di tích, cơ quan chức năng cũng sẽ lập hồ sơ để công nhận các di tích lịch sử quan trọng này.

ĐỖ HOÀNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/chua-ro-nguon-goc-hai-bai-coc-cao-quy-dam-thuong-941248.html