Chưa rõ sóng đầu tư FDI dịch chuyển vào Việt Nam
Theo các doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế, cơ hội đón sóng đầu tư nước ngoài đang rất lớn, song cũng tiềm ẩn những mặt trái.
Tại tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức", ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, không chỉ bây giờ mà cách đây vài năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa bùng nổ, đã có sự chuyển dịch về vốn FDI. Song xu hướng chuyển dịch là toàn cầu, trong đó có một phần từ Trung Quốc.
Về việc Thủ tướng mới thành lập Tổ công tác về thu hút FDI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, điều này khẳng định Việt Nam đang có những thời cơ tốt, phải thay đổi để đạt được mục tiêu đón được dòng vốn có chất lượng.
Nhưng theo ông Toàn, DN nội cần hết sức tỉnh táo. "DN FDI kê khai máy móc thiết bị cao hơn giá thực, sau đó khấu hao sản phẩm, giảm lợi nhuận để không phải đóng thuế. Đây là một hình thức chuyển giá. Là ma trận mà quốc gia nào khi thu hút FDI cũng phải chú ý", ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Sunhouse cho rằng, làn sóng dễ thấy nhất chính là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ thuế hoặc từ COVID-19 khi đặt tất cả ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi các DN FDI chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, các DN nội cũng cần chuẩn bị để có thể làm chủ về công nghệ. Bởi nếu không Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế.
“Việt Nam từng đi làm thuê và đã phải trả những cái giá rất đắt khi trở thành nơi gia công cho nước ngoài. Những mặt trái của sản xuất, đặc biệt là ô nhiễm môi trường vẫn đang khiến các thế hệ người Việt phải trả giá”, CEO Sunhouse bình luận.
Lấy ví dụ chính Tập đoàn Sunhouse, ông Phú cho biết, năm 2003 công ty nhận đầu tư của Hàn Quốc nhưng người Việt vẫn nắm quyền kiểm soát. Sau đó, Sunhouse, từ một thương hiệu của Hàn Quốc, được mua lại và trở thành thương hiệu Việt.
Ông Phú nhấn mạnh cần có nghệ thuật trong nhận vốn đầu tư FDI. Giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình làm thuê, cần học hỏi được về công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để sau này xây dựng thương hiệu và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.
Chưa có bằng chứng về dịch chuyển FDI đến nước ta
Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, giảm 17,7% về số dự án và tăng 13,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,3 tỷ USD, chiếm 51,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc; Đài Loan; Hong Kong…
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê), cho hay, từ năm 2018, xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI đến khu vực Đông Á và Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) đã manh nha. Tuy nhiên, việc Việt Nam hưởng lợi đầu tư từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19 là có khả năng nhưng cần có thời gian quan sát, phân tích số liệu trong thực tế và đánh giá tác động cụ thể.
Theo ông Thúy, các DN FDI ở Việt Nam đang được hưởng lợi rất lớn từ nhiều chính sách thu hút đầu tư như thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ… Song, nhiều nước cũng có lợi thế như Việt Nam như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan nên các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn.
“Trên thực tế việc chuyển hướng đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác không hề đơn giản vì nhà đầu tư sẽ phải xem xét, cân nhắc chi phí chuyển giao tài sản, kể cả những ưu đãi được hưởng ở quốc gia sẽ đầu tư. Đặc biệt, với các DN sản xuất, quá trình chuyển dịch vốn có thể mất từ 2 đến 5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện”, ông Thúy cho biết.