Chưa thể chủ quan với nguy cơ lạm phát
Trong khi vẫn phải ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu khác có tín hiệu khả quan, thì mục tiêu kiểm soát lạm phát phải được đặc biệt quan tâm.
Diễn biến 3 tháng đầu năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 0,32% (thấp hơn tốc độ tăng 0,52% của cùng kỳ năm trước), tháng 2 tăng 1,04% (cao hơn mức 0,45% của cùng kỳ), tháng 3 giảm 0,23%. Bình quân so với cùng kỳ của tháng 1 là 3,37%, thấp hơn tốc độ tăng 4,89% của cùng kỳ; của 2 tháng 3,67%, thấp hơn tốc độ tăng 4,6% của cùng kỳ; bình quân 3 tháng so với cùng kỳ của năm nay tăng 3,77%, thấp hơn tốc độ tăng chung của CPI và thấp hơn con số tương ứng của nhóm này của cùng kỳ.
Nhóm lương thực tăng cao nhất (16,51%), nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng cao hơn một chút (4,03%), nhóm thực phẩm có tỷ trọng cao nhất thì tăng rất thấp (1,24%). Thực phẩm tăng thấp ngoài việc sản lượng chủ yếu do nhập khẩu tăng rất cao và kéo dài (bằng khoảng 15% sản lượng ở trong nước), cao hơn con số tương ứng 4,18% của cùng kỳ.
CPI của nhóm/mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu cho tiêu dùng) sau 3 tháng mới tăng 3,53%. Những nhóm/mặt hàng tăng cao hơn tốc độ tăng chung, nhưng tỷ trọng thấp, như nhà ở và vật liệu xây dựng (5,4%), thuốc và dịch vụ y tế (6,51%), giáo dục (9,02%), hàng hóa và dịch vụ khác (9,63%). Các nhóm tăng thấp, ngoài thực phẩm, còn có may mặc và mũ nón, giày dép (1,54%), thiết bị, đồ dùng gia đình (1,21%), văn hóa, giải trí và du lịch (1,35%), bưu chính - viễn thông giảm 1,06%…
Xét theo các yếu tố tác động đến lạm phát, cũng xuất hiện một số vấn đề đáng lưu ý. Quan hệ tổng quát nhất là sản xuất - tiêu dùng, tổng cung - tổng cầu, thì tổng cầu còn thấp hơn tổng cung, khi tốc độ tăng của tích lũy tài sản (4,69%) và của tiêu dùng cuối cùng (4,93%) đều thấp hơn tốc độ tăng của GDP (5,66%), dẫn đến xuất siêu hàng hóa cao hơn cùng kỳ cả về quy mô tuyệt đối (6,08 tỷ USD so với 4,93 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (6,5% so với 6,2%).
Một yếu tố quan trọng khác là chi phí đẩy. Giá nhập khẩu giảm 1,54%. Giá cước vận tải tăng 15,49%. Giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 1,25%. Giá sản xuất nông, lâm - thủy sản tăng 5,81%, giá công nghiệp giảm 0,56%, dịch vụ tăng 7,15%… Các tốc độ tăng này nhiều loại thấp hơn tốc độ tăng CPI chung.
Một yếu tố quan trọng, vừa tiềm ẩn, vừa trực tiếp tác động đến lạm phát là tiền tệ - tín dụng và thu chi ngân sách có một số vấn đề đáng quan tâm. Tốc độ tăng tín dụng rất thấp (sau 3 tháng mới tăng 0,26%, thấp so với tốc độ tăng 1,99% tương ứng của cùng kỳ các năm trước). Lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhiệt…
Tuy nhiên, có một lượng tiền không nhỏ đang được “chôn” vào vàng, tiền ảo, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tuy trước mắt không gây áp lực lên giá tiêu dùng, nhưng khi các thị trường này gặp rủi ro sẽ quay trở lại gây áp lực lên CPI.
Diễn biến trong 3 tháng và các yếu tố tác động trên làm cho một số người cho rằng, áp lực đối với lạm phát sẽ không lớn và kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm thứ 11 liên tiếp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (với mức CPI bình quân tăng 4-4,5%) như mục tiêu đã đề ra.
Chưa thể chủ quan
Khuyến cáo này xuất phát từ nhiều yếu tố tác động đến lạm phát trong thời gian tới.
Quan hệ giữa tổng cung - tổng cầu đang có sự chuyển dịch theo hướng tổng cầu trong nước mạnh lên. Việc tăng lương cơ sở với lượng tiền khá lớn, cộng với sự gia tăng số người giàu, người siêu giàu góp phần làm cho tiêu dùng cuối cùng tăng lên. Đó là chưa kể tình trạng “ăn chơi sớm” khi không ít những mặt hàng “đỉnh” của thế giới (ô tô, đồng hồ, điện thoại, xì gà…) đã có mặt và tăng lên tại Việt Nam.
Về chi phí đẩy, giá nhập khẩu tính bằng USD không còn giảm sâu như năm trước, không còn giảm như quý I, mà có thể tăng lên trong những quý còn lại của năm nay. Giá nhập khẩu tính bằng VND có thể tăng cao hơn khi tỷ giá VND/USD tăng cao hơn năm trước, lãi suất cho vay USD cao so với lãi suất cho vay VND, khi trong các giải pháp giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với giá thế giới sẽ có giải pháp nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu có thể tác động đến tỷ giá.
Về tiền tệ - tín dụng, ngân sách và sự chuyển động của dòng tiền cũng có những chuyển biến đáng chú ý. Tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trở lại với mục tiêu cả năm cao hơn năm trước. Lãi suất gửi ngân hàng xuống thấp, làm cho lượng tiền từ lưu thông vào ngân hàng giảm, chạy và “chôn” vào các kênh không trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh…
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chua-the-chu-quan-voi-nguy-co-lam-phat-d213196.html