Chưa thể lãng quên dịch COVID-19
Ngay khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới vào tháng 12/2019, đặc biệt ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành và người dân trên cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã có sự điều chỉnh hợp lý trong cả biện pháp y tế công cộng cũng như các biện pháp xã hội để bảo đảm phòng chống dịch; Việt Nam đã làm rất tốt trong việc giữ cho số lượng ca mắc và tỷ lệ tử vong tương đối thấp trong giai đoạn đầu của đại dịch cho đến khi có vaccine. Và khi có vaccine, Việt Nam đã xuất sắc thực hiện tiêm chủng ấn tượng, đến được với tất cả mọi người dân trên mọi miền đất nước.
Do số ca mắc COVID-19 mới giảm, tỷ lệ tử vong tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang ghi nhận cũng như nhiều yếu tố liên quan, Bộ Y tế đã ban hành quyết định điều chỉnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Việc điều chỉnh đó là hoàn toàn phù hợp. Nhưng thực tế của hơn ba năm chống dịch với bao mất mát và đau thương, mỗi người chúng ta chưa thể lãng quên ngay được COVID-19.
Chưa thể lãng quên vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, Tổ chức Y tế Thế giới lưu ý, SARS-CoV-2 vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh và không ngừng biến đổi; tại nhiều nước, số ca mắc vẫn gia tăng… điều đó đòi hỏi mỗi quốc gia, khu vực và mỗi người dân cần tiếp tục dành sự quan tâm căn bệnh này cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Chưa thể lãng quên vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, Tổ chức Y tế Thế giới lưu ý, SARS-CoV-2 vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh và không ngừng biến đổi; tại nhiều nước, số ca mắc vẫn gia tăng… điều đó đòi hỏi mỗi quốc gia, khu vực và mỗi người dân cần tiếp tục dành sự quan tâm căn bệnh này cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Để chủ động phòng chống COVID-19, ngành y tế và các địa phương cần thực hiện tốt Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 với các mục tiêu: Giảm số ca mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; giảm ca nặng và tử vong; bảo đảm việc quản lý COVID-19 bền vững với các bệnh truyền nhiễm khác để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Về phía ngành y tế cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch, nhất là đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng cúm, giám sát viêm phổi nặng do virus, giám sát đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus; thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ.
Mặt khác tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng cũng như theo dõi và kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc COVID-19.
Nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, giám sát sự tiến hóa, biến chủng của các tác nhân gây bệnh; nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan và các vấn đề hậu COVID-19. Xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng; lồng ghép tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên…
Các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ ngành y tế thường xuyên thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam cho người dân biết, không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là. Truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân hiểu và tự biết cách tự phòng bệnh, tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ theo hướng dẫn của ngành y tế…
Với mỗi người dân, thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, như việc đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi…; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chua-the-lang-quen-dich-covid-19-a382479.html