Chưa thể tổ chức các cuộc đàm phán sau đảo chính tại Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, vòng thứ hai của các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Sudan sau cuộc đảo chính quân sự tại nước này đã bị trì hoãn do một khối dân sự chủ chốt vẫn tiếp tục từ chối tham gia đàm phán.
Ngày 8/6 vừa qua, LHQ, Liên minh châu Phi (AU) và Cơ quan Hợp tác liên chính phủ về phát triển (IGAD) đã khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp nhằm khai thông bế tắc chính trị vốn tồn tại ở Sudan kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 10 năm ngoái, do Tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy. Các quan chức quân đội, đại diện của một số đảng phái chính trị và thành viên cấp cao của các nhóm từng là lực lượng nổi dậy đã tham dự những cuộc đàm phán này. Tuy nhiên khối dân sự chính của Sudan, Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) và đảng Umma có ảnh hưởng lớn ở nước này đã từ chối tham gia. Thành viên của các ủy ban kháng chiến - các nhóm không chính thức nổi lên trong các cuộc biểu tình năm 2018-2019 nhằm lật đổ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và dẫn đầu các cuộc gọi cho các cuộc biểu tình chống đảo chính gần đây cũng vắng mặt.
Theo người phát ngôn của Phái bộ Gìn giữ hòa bình của LHQ tại Sudan (UNITAMS) Fadi al-Qadi, vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 12/6, song LHQ, AU và IGAD đã quyết định hoãn vòng đàm phán này sau những diễn biến mới nhất ở Sudan. Ông Qadi cho biết thêm hiện LHQ, AU và IGAD chưa ấn định ngày nối lại các cuộc đàm phán.
Trước đó, ngày 9/6, một phái đoàn từ FFC đã tổ chức một cuộc đàm phán "không chính thức" với các quan chức quân đội nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị ở Sudan. Cuộc họp diễn ra sau lời mời của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi Molly Phee và Đại sứ Saudi Arabia tại Sudan. Tuy nhiên, FFC vẫn từ chối tham gia đàm phán, cho rằng đây là một "giải pháp chính trị giả mạo" nhằm hợp pháp hóa cuộc đảo chính ở quốc gia châu Phi này.