Chưa thi kịch bản đã lo nhạy cảm

Hiếm kịch bản tốt, thiếu vắng phim hay là bệnh cũ của điện ảnh nội. Cuộc thi hiếm hoi tìm kiếm kịch bản phim điện ảnh vì thế được trông đợi cứu vãn tình thế èo uột ngay từ khâu đầu vào.

“Truyền thuyết Quán Tiên”, một trong số vài phim đặt hàng ít ỏi thời gian gần đây

“Truyền thuyết Quán Tiên”, một trong số vài phim đặt hàng ít ỏi thời gian gần đây

Giải cứu điện ảnh

“Trong rất nhiều cái khó của Điện ảnh Việt Nam có khó khăn thiếu kịch bản phim truyện hay, độc đáo. Sự thiếu hụt này đã đến mức báo động. Gần đây một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài rồi Việt hóa thành kịch bản phim của Việt Nam. Đây thực sự là vấn đề đáng ngại”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu. Cục Điện ảnh phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” với mong muốn tạo nguồn kịch bản cho phim nhà nước đặt hàng, cho các đơn vị, các dự án sản xuất phim truyện có thêm sự lựa chọn.

Sau 10 năm Cục Điện ảnh mới tổ chức một cuộc thi điện ảnh, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc đánh giá đây là nỗ lực đáng khích lệ. Lãnh đạo Cục cho hay tại buổi gặp gỡ chiều 14/9 rằng, cuộc thi nằm ngoài kế hoạch công tác năm, xuất phát từ mong muốn của ông sau khi nhậm chức nửa năm nay. Năm 2010, hai kịch bản dự thi được giải và đưa vào sản xuất phim là Long thành cầm giả ca Những người viết huyền thoại. Năm 2015 Cục tổ chức trại sáng tác, kịch bản Người yêu ơi của Đỗ Bích Thúy đáng tiếc lại giao cho Hãng phim truyện. Vì lùm xùm cổ phần hóa nên phim vẫn nằm trên giấy.

Không thi cử rầm rộ, đầu năm nay Cục đầu tư chiều sâu cho một số kịch bản phim truyện. Hai tác phẩm được đưa vào diện nhà nước đặt hàng gồm Hồng Hà nữ sĩ về bà Đoàn Thị Điểm, Phơi sáng là đề tài chống tham nhũng. “So với nhu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp phát triển điện ảnh thì hoạt động thi kịch bản của Cục còn ít ỏi. Tôi hy vọng giữ được nhịp độ hai năm thi một lần, bởi dẫu sao kịch bản vẫn là đầu vào quan trọng của dự án phim”, ông Vi Kiến Thành nói.

Bớt sợ “nhạy cảm”

Mong muốn mở rộng đề tài, Cục đưa tiêu chí hướng đến các giá trị “nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt”, nhưng mục tiêu chính là tạo nguồn kịch bản sản xuất phim nhà nước đặt hàng giai đoạn 2021-2025 phục vụ các ngày lễ lớn. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thắc mắc: với tiêu chí này thì dường như lại vẫn bình mới rượu cũ- làm phim tuyên truyền mà thôi. Ông Vi Kiến Thành giải thích, bên cạnh nội dung được chú trọng như đề tài chiến tranh, lịch sử, thiếu nhi, dân tộc..., Ban tổ chức mong nhận được tác phẩm mổ xẻ vấn đề của cuộc sống đương đại, về văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Nhìn nhận linh hoạt hơn về quy định của cuộc thi, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhắc lại tinh thần của Bác Hồ từng nhắc nhở đại ý “làm tuyên truyền phải có nghệ thuật, làm nghệ thuật cũng đừng quên tuyên truyền”. Ông thẳng thắn chỉ ra phim chiến tranh vẫn hiếm tác phẩm xứng tầm. Một số đoạn gợi lên sự xót xa đấy, nhưng phần lớn lại tụt hậu so với điện ảnh thế giới.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (từng làm phim đặt hàng Những người viết huyền thoại) cho rằng, không cứ làm phim chiến tranh, cách mạng mới đạt nhiệm vụ chính trị. Tác phẩm động chạm tới vấn đề nóng của xã hội đã xứng với tiêu chí này rồi. “Kịch bản hay đến mấy mà làm phim không hay cũng chẳng để làm gì”, anh nói. Thấm thía cảnh chi phí đặt hàng bị cắt xén cho các mục tiêu nuôi hãng phim nên Bùi Tuấn Dũng đề xuất cần yêu cầu hãng phim cam kết chất lượng và có cơ chế giám sát, nếu buông lỏng thì thi chọn kịch bản cũng vô nghĩa.

Đạo diễn NSND Phạm Nhuệ Giang hy vọng có được ban giám khảo cởi mở để đón nhận quan điểm mới thay vì suốt đời sợ hai chữ “nhạy cảm”. Bà nhận định phim “có vấn đề” mới hay. “Nhiều trường hợp chỉ được đề tài tốt mà câu chuyện nhạt, nhân vật sơ lược và nghệ thuật kịch bản chưa tới cũng được đưa vào giải”, Nhuệ Giang nói. Chẳng hạn nên đổi mới tư duy làm phim đặt hàng: phim chiến tranh ngày nay nên bớt ca ngợi đơn thuần đi.

Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận xét, phần lớn các nhà làm phim đang hiểu phim đặt hàng là phim tuyên truyền thay vì tác phẩm nghệ thuật có yếu tố tuyên truyền. Điện ảnh vẫn nặng nhiệm vụ chính trị, không có khán giả là vì thế.

Lại nỗi lo giám khảo
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn nêu mối lo ngại chung của các đồng nghiệp đó là giám khảo không đọc được kịch bản điện ảnh: “Kịch bản điện ảnh khác với tác phẩm văn học. Chúng tôi cũng nghi ngờ lắm bởi gửi kịch bản dự thi không biết ai đọc, đọc như thế nào”. Ông đề xuất tác giả nên tóm tắt tác phẩm để người chấm nắm được tinh thần chung.
Lấy kinh nghiệm từ ghế giám khảo văn học, nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể, ông và nhà văn Lê Minh Khuê đấu tranh bằng được để đưa ra tranh luận công khai, bỏ phiếu ký rõ tên để loại bỏ lợi ích nhóm.

Kịch bản dự thi có độ dài từ 90-120 phút/phim, mỗi tác giả gửi tối đa hai tác phẩm. Kịch bản là sáng tác mới, chưa trình thẩm định tại Cục Điện ảnh, chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa được sản xuất phim. Đối với kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn hóa, sân khấu thì tác giả phải gửi kèm xác nhận chứng minh bản quyền tác giả. Cục Điện ảnh khuyến khích kịch bản kèm theo phương án xã hội hóa nguồn vốn sản xuất và phát hành. Ban tổ chức nhận kịch bản từ ngày phát động 14/9 đến hết 1/11/2020.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chua-thi-kich-ban-da-lo-nhay-cam-1721335.tpo