Chưa trả hết 'món nợ' hạ tầng, nhân lực thì xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh là ảo tưởng

'Sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta dự định xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, và tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mà lại bỏ qua những bước phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của một quốc gia công nghiệp hóa...', đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

LTS: Ngày 1.11, phát biểu thảo luận tại nghị trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), đã dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc thực các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, và nêu lên nhiều vấn đề đáng chú ý cần nỗ lực thực hiện nếu như muốn đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng XIII đề ra, trở thành nước phát triển vào năm 2045... Người Đô Thị trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa:

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại nghị trường. Ảnh: VOV

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại nghị trường. Ảnh: VOV

Thành tựu và ưu điểm lớn nhất nửa nhiệm kỳ qua là vượt qua đại dịch COVID-19 và chống chịu các các biến động chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu để đứng vững, phục hồi và tiếp tục tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Đặc biệt, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thường trực Hội đồng Bảo an và đối tác chiến lược toàn diện với những nước đông dân và phát triển nhất thế giới là quyết sách rất đúng đắn đã tạo điều kiện khách quan rất quan trọng cho đất nước phát triển đột phá, xây dựng nền kinh tế thịnh vượng, tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước và lợi ích quốc gia, dân tộc, được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Những thành tựu đó là do công sức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công viên chức, lực lượng vũ trang, cũng như của khu vực kinh tế dân doanh, khu vực xã hội công dân và tất cả các tầng lớp nhân dân.

Để đóng góp vào nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quốc hội, tôi xin đề xuất một nhận thức và hướng tiếp cận trong chỉ đạo và quản lý kinh tế xã hội của Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội và cơ cấu lại của nửa nhiệm kỳ còn lại và cả nhiệm kỳ tới. Theo tôi, nhận thức và tiếp cận không hợp lý thì việc thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu của nửa nhiệm kỳ còn lại không thể đạt được, hay kém hiệu quả, từ đó ảnh hưởng đến việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của Đại hội Đảng XIII.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (của Quốc hội) về thực hiện Nghị quyết 31, “những nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai trên thực tế trong giai đoạn 2021 - 2023 chưa nhiều, do đó, chưa mang lại những thay đổi đáng kể về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng”, và “tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển; hiện còn 36,3% số nhiệm vụ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai thực hiện”.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng XIII đề ra, trở thành nước phát triển vào năm 2045, chúng ta nhất thiết phải nỗ lực tham gia sâu rộng vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam phải xây dựng kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, vượt thoát “bẫy thu nhập trung bình” và nợ công chồng chất, từ đó không đủ sức để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Việt Nam phải thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu là xuất khẩu tài nguyên, gia công với lao động giá rẻ, có thứ hạng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nghị quyết Đảng đã xác định rất chính xác 3 lĩnh vực mà chúng ta cần đột phá để làm được điều đó: đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Đây là lý do ra đời của Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 54 của Chính phủ. Tôi rất đồng tình là Việt Nam có nhiều tiềm năng và thuận lợi rất lớn để trở thành một nước phát triển cao vào năm 2045.

Xin lưu ý là trong khi nỗ lực để đồng hành với thế giới trong nền kinh tế số và xã hội số, tôi cho rằng trong 3 lĩnh vực thể chế, hạ tầng và nhân lực, có nhiều nội dung, nhiều bộ phận của của cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí 2.0, chúng ta vẫn chưa có (ví dụ: chúng ta chưa có thể chế và hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa, bởi vì chúng ta chưa hoàn thành công nghiệp hóa đất nước). Ngay cả ở những đô thị lớn nhất của đất nước, những hạ tầng cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp 2.0 vẫn chưa hoàn tất. Hiện trạng đường xá, cầu cống, sân bay, bến cảng; cấp điện, cấp thoát nước; xử lý chất thải, rác thải; chống ngập, chống lũ; hệ thống y tế, giáo dục; trình độ văn minh, văn hóa của xã hội … cho thấy chúng ta còn phải thanh toán những món nợ của cuộc Cánh mạng công nghiệp 2.0. Còn Cách mạng 3.0 (diễn ra trên thế giới từ nửa thế kỷ nay) thì chúng ta vừa mới bắt đầu 10 năm nay.

Xin lưu ý: nhiều quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã hoàn thành công nghiệp hóa và xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật của một quốc gia công nghiệp hóa từ 50, 60 năm trước. Chúng ta cũng tụt hậu so với các nước láng giềng. Như vậy, khi chọn lựa đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, chuỗi giá trị cao, như chip bán dẫn, AI, linh kiện máy bay các nhà đầu tư phải sẽ cân nhắc chọn lựa nước ta hay các quốc gia khác trong khu vực, hay trong châu lục khác?

Cũng xin thông tin thêm: một số chuyên gia đã tiên lượng Cách mạng công nghiệp 5.0 sẽ bắt đầu ở các nước phát triển vào giữa những năm 2030.

Tóm lại, trong khi nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, và xã hội công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước, mà chúng ta còn thiếu, và việc này cũng quan trọng không kém những nỗ lực số hóa nền kinh tế.

Điều tôi muốn nói là: sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta dự định xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, và tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mà lại bỏ qua những bước phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của một quốc gia công nghiệp hóa. Ngược lại, sự thiếu vắng, yếu kém và không hoàn chỉnh, không đồng bộ của thể chế, hạ tầng và nhân lực của những cuộc cách mạng công nghiệp trước sẽ cản trở, làm chậm bước, thậm chí triệt tiêu động lực của những nỗ lực xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xã hội công nghiệp 4.0.

Theo tôi, đây là thách thức lớn nhất của lãnh đạo và người dân chúng ta trong quá trình nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Nếu không có chuyển biến đột phá và đồng bộ trong công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới tư duy, về nhận thức, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật, phát huy thực chất dân chủ xã hội, tin tưởng vào nhân dân, trọng dụng hiền tài trong xã hội, trong và ngoài nước, và thu hút vào đội ngũ cán bộ, công viên chức, kể cả và nhất là ở cấp cao, thì tôi e rằng tiềm năng vẫn mãi là tiềm năng, khát vọng vẫn mãi là khát vọng mà thôi.

Trương Trọng Nghĩa

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chua-tra-het-mon-no-ha-tang-nhan-luc-thi-xay-dung-kinh-te-so-kinh-te-xanh-la-ao-tuong-41541.html