Chưa trả tiền cho lao động nghèo Sơn La, sếp nữ DN nói giấy tờ bị đốt hết

Lãnh đạo công ty CP Dệt may Sơn La thừa nhận đã thu tiền của hơn 120 người lao động khi đến học nghề, nhưng chưa trả lại được vì giấy tờ bị đốt hết.

Làm sai do nghị quyết quá mới mẻ, DN chưa va vấp

Liên quan đến loạt sai phạm khi triển khai dạy nghề tại huyện Quỳnh Nhai, Chủ tịch HĐQT công ty CP Dệt may Sơn La Phùng Thị Nhung phân trần: Sau khi HĐND tỉnh Sơn La ban hành nghị quyết 133 về hỗ trợ DN và người lao động, công ty đã làm việc với Sở KH&ĐT và được hướng dẫn vào huyện Quỳnh Nhai đầu tư.

Theo bà, các thủ tục phải gửi qua huyện, huyện làm báo cáo ra tỉnh. Sau đó công ty vào đào tạo, hết thời gian đào tạo thì sử dụng lao động.

"Ngày vào đầu tư, huyện giúp DN tôi rất nhiều, như việc tổ chức đưa DN đến với bà con, đến từng xã để tuyên truyền nói đi làm may tay nghề nâng cao, tăng thu nhập. Huyện còn xin tỉnh mượn mặt bằng để DN đặt trụ sở.

Thời điểm mở lớp, có 1.800 lao động nộp đơn nhưng công ty chỉ có thể tuyển 450 người cả sản xuất và đào tạo", lời bà Nhung.

Bà Phùng Thị Nhung

Bà Phùng Thị Nhung

Theo bà Nhung, để xảy ra những sai phạm mà Thanh tra Sở LĐTBXH kết luận là do nghị quyết 133 quá mới mẻ, DN chưa va vấp nên không biết.

"DN dạy nghề theo nghị quyết 133, theo quy định không cần cấp giấy chứng nhận, không cần giấy phép dạy nghề", bà Nhung khẳng định.

Trước việc Sở LĐTBXH yêu cầu công ty CP Dệt may Sơn La cấp chứng chỉ sau đào tạo cho người lao động, lãnh đạo DN này cho rằng, giấy đã làm rồi nhưng không dám phát ra.

"Chúng tôi thấy hồ sơ thanh quyết toán và nghị quyết không khớp nhau. Các cổ đông đã ngồi lại, đã làm chứng chỉ hết rồi, nhưng không dám cấp, cấp cũng sai, không cấp cũng sai. Chứng chỉ đơn giản là tờ A4 thôi, tờ đó chứng nhận ông, bà đạt qua đào tạo. Nó chẳng giải quyết vấn đề gì đâu", lời bà Nhung.

Chưa trả tiền vì giấy tờ bị đốt hết

Nhiều lao động ở Quỳnh Nhai bức xúc khi công ty CP Dệt may Sơn La thu của họ 600 nghìn đồng. Công ty hứa sau khi hết khóa đào tạo sẽ trả, nhưng đến nay đã hơn 1 năm họ vẫn chưa được nhận lại tiền.

Bà Nhung thừa nhận đã thu 600 nghìn đồng của người dân và cho biết, việc này là để giữ lao động làm việc lâu dài.

"Việc thu tiền là do công ty đặt ra, tự thu và gửi thông báo đến huyện, huyện không có ý kiến gì. Bà con cũng được thông báo đàng hoàng, tạm thu để công nhân có trách nhiệm gắn bó. Tôi nhớ ngày ấy thu của bà con đến đăng ký khoảng hơn 120 người", bà Nhung nói.

Bà lý giải việc chưa trả lại tiền cho người dân: "Khi thu chúng tôi hứa sẽ trả lại sau 6 tháng, tuy nhiên khi có những cổ đông mới vào, cổ đông cũ ra, chỉ còn tôi ở lại. Khi tôi cũng mải mê đi ký hợp đồng, rồi đi nước ngoài thì ở nhà dọn dẹp lại hết, đốt hết. Khi đoàn kiểm tra vào, DN không có một giấy tờ gì nữa. Tóm lại nó cũng chỉ mấy chục triệu thôi".

Theo bà Nhung, để nhận lại được số tiền này phải căn cứ vào giấy xác nhận khi thu tiền, nếu ai không có giấy này thì coi như đã mất.

"Bây giờ DN cũng muốn thông báo đến các xã, căn cứ vào giấy xác nhận khi thu tiền của họ để trả lại. Bởi vì khi thu về là cho công ty chứ không có cá nhân nào hưởng lợi cả", lời bà Nhung.

DN bạo dạn, UBND huyện hưởng ứng

Sai phạm rõ nhất của công ty CP Dệt may Sơn La trong việc thực hiện đào tạo và sử dụng lao động theo nghị quyết 133 là phối hợp với UBND huyện đưa lao động đi ký kết với DN ngoài tỉnh. Bởi vì, mục tiêu của nghị quyết là đào tạo và sử dụng lao động ngay tại công ty.

Theo bà Nhung: "Bản thân DN có quen biết với công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (công ty TNG) nên bạo dạn làm đề xuất lên trên huyện đi liên kết với các công ty ngoài và được huyện đồng ý.

Huyện Quỳnh Nhai cho công ty CP Dệt may Sơn La mượn trường học để làm cơ sở

Huyện Quỳnh Nhai cho công ty CP Dệt may Sơn La mượn trường học để làm cơ sở

Sau đó, ông Nguyễn Văn Thời (Chủ tịch HĐQT công ty TNG) lên Quỳnh Nhai ký liên kết với công ty của tôi. Nội dung ký kết là sau khi công nhân đào tạo xong khóa thuộc nghị quyết 133 sẽ đưa về làm việc và ký hợp đồng không thời hạn với công ty TNG".

Theo bà, việc công ty đào tạo theo nghị quyết 133, người dân đến với DN không hề thiệt hại gì. Tuy nhiên, thực trạng của việc quản lý sau đào tạo nghề lại khác, đã có hơn 300 lao động bỏ việc tại công ty CP Dệt may Sơn La và 2 công ty ở ngoài tỉnh.

"Tôi đã gọi điện cho thanh tra, nhờ hướng dẫn công ty làm lại sổ sách, giấy tờ. Thanh tra cũng có hứa giúp đỡ, nhưng sau đó vẫn ban hành kết luận", bà Nhung nói về kết luận của thanh tra Sở LĐTBXH.

Đoàn Bổng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/chua-tra-tien-cho-lao-dong-ngheo-son-la-sep-nu-dn-noi-giay-to-bi-dot-544486.html