Chưa từng nhận danh xưng nhà khoa học dù đã 5 lần được cấp bằng độc quyền sáng chế
66 tuổi, vóc dáng nhỏ bé, chưa từng nhận mình là nhà khoa học nhưng ông Trịnh Đình Năng lại liên tục khiến giới khoa học kinh ngạc vì 5 sáng chế được cấp bằng độc quyền, ứng dụng thực tiễn cao với giá trị kinh tế và xã hội lớn.
Từ bén duyên đến “điên cuồng” với chế tạo máy
Ngày đôi mươi, chàng trai Trịnh Đình Năng được đi học bổ túc cơ khí và bén duyên với nghề sáng tạo, sáng chế máy móc từ đó. Đến nay, ông Năng đã đi một chặng đường dài, vượt qua những lần thất bại, tay trắng, nhiều lần khiến vợ con, bạn bè và cả nhà quản lý lắc đầu chịu thua “độ điên” của ông.
Từ những máy móc nhỏ ứng dụng trong cuộc sống, phục vụ chính nhu cầu bản thân, gia đình, những người xung quanh, đem lại lợi nhuận, anh công nhân cơ khí tên Trịnh Đình Năng lao vào các lĩnh vực khó, chưa ai làm.
"Chỉ cần trong đầu lóe lên ý tưởng là lập tức tôi bắt tay vào tìm tòi, học hỏi. Cái gì không biết thì tìm đọc, đọc chưa hiểu thì đi hỏi, hỏi xong là làm, làm hỏng thì làm lại, cho đến khi thành công. Rất, rất nhiều đêm thức trắng”, ông Năng nhớ lại.
“Cơn say cuồng” đến mức, khi ăn, ngủ, đầu óc ông vẫn "chạy loạn" với các thí nghiệm. Bền bỉ, kiên trì tự nghiên cứu, mày mò, thành công, thất bại rồi lại rút kinh nghiệm… chưa từng nhụt chí, trở thành điểm tựa cho một người chưa từng được đào tạo bài bản trên con đường khoa học.
Hơn 20 năm trước, ông Năng từng nghiên cứu rất sâu công nghệ mới tách quặng kim loại lấy vàng, bạc. Sau 1 năm, vốn liếng dành dụm được từ thành công trước đó cạn sạch, giải thể dự án.
Nhưng nghiên cứu này cho ông rất nhiều kiến thức tạo nhiệt trong sản xuất, chính là nền móng để ông tạo ra sáng chế đáng giá cả chục tỉ đồng: "Lò đốt và hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại", được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền năm 2012, được Bộ Công Thương bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc.
Ý tưởng khoa học “nảy nở” liên tục trong ông Năng. Năm 1999, xem tivi trong một đêm mất ngủ, ông nghe tin tức về giải Nobel Hóa học năm 1996 được trao cho ba nhà khoa học khi khám phá ra hợp chất siêu bán dẫn Fullerene, C60, C70.
Tò mò, ông tìm hiểu về hợp chất này nhưng thông tin không nhiều. Ông vẫn thử nghiệm lắp ráp các máy móc nhưng thành công rất hạn chế. 3 năm sau, ông sắm máy tính, tiếp cận được tài liệu trên thế giới về chất siêu bán dẫn này, rồi lại chế tạo, thử nghiệm…
Hơn 4.000 lần thất bại, đến tháng 4/2015, tức là 16 năm từ khi nhen nhóm ý tưởng, ông Năng mới thành công khi chế tạo ra dây chuyền sản xuất thành công hỗn hợp C60-C70 Endo Fullerene từ các nguyên liệu hữu cơ có hàm lượng carbon cao như: vỏ trấu, sọ dừa, vỏ tơ, hạt cà phê, cùi ngô, lông vũ…
3 năm sau đó, hệ thống sản xuất của ông Trịnh Đình Năng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế (số 20192). Mang sản phẩm đi xét nghiệm ở Mỹ, ông Năng xác định chất siêu bán dẫn sản xuất được là Endo Fullerene.
"Hỗn hợp Endo Fullerene pha tạp kim loại hiện nay trên thế giới mới chỉ sản xuất được số lượng nhỏ quy mô trong phòng thí nghiệm và giá vô cùng đắt đỏ, lên đến hàng trăm triệu USD 1 gam. Hạt Endo Fullerene có thể ứng dụng được cả trong bán dẫn, hàng không vũ trụ, quân sự, pin tích lượng tử, siêu chip, máy tính lượng tử, đồng hồ lượng tử, robot, pin mặt trời, thiết bị GPS, vật liệu cứng và y học. Đây hứa hẹn là vật liệu của tương lai”, ông Năng chia sẻ.
Không dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, hệ thống sản xuất hỗn hợp C60-C70 Endo fullerene của nhà sáng chế Trịnh Đình Năng hiện đã phát triển hoàn thiện để áp dụng vào quy mô công nghiệp và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một ví dụ khác, năm 2012, nghe các chuyên gia quốc tế trầm trồ về những ưu đãi của thiên nhiên dành cho Việt Nam để sản sinh ra những loại cây cỏ có hàm lượng dược tính cao, ông Năng lại bật ra ý tưởng sáng chế cỗ máy có thể tách chiết các hợp chất thiên nhiên hiệu quả, tối ưu hàm lượng tinh chất dược lý có trong các dược liệu của nước ta.
Ông lấy ví dụ, Bắc Kạn quê ông trồng rất nhiều củ nghệ nếp vàng, một sản phẩm có thể ứng dụng chăm sóc sức khỏe. Năm 2012, 1kg nghệ vàng bán được vài nghìn đồng. Trong khi sàn dược liệu Luân Đôn (Anh) cùng thời điểm bán 1kg tinh chất curcumin chiết xuất với giá 10.000 USD.
Từ những ngày vào thư viện của Bộ Khoa học & Công nghệ đọc tài liệu trong và ngoài nước, ông Năng bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo máy, lắp ráp, thử nghiệm. Ông tính toán, nếu làm theo công nghệ đã có của thế giới, thành phẩm chắc chắn lỗ, phải nghĩ ra công nghệ của riêng mình.
Ông gần như ăn ngủ tại nơi làm việc, bỏ mọi việc khác. 5 tháng trời, ông sáng chế thành công dây chuyền chiết xuất công nghệ cao sản xuất nano curcumin từ củ nghệ nếp với quy mô công nghiệp. Điều thành công nhất ở đây là công nghệ này có khả năng tách chiết và biến 95% thành phần thực vật có tính dược thành sản phẩm nano.
“Đây cũng là nghiên cứu thành công nhanh nhất của tôi, đem lại nhiều lợi ích trong việc tận dụng, khai thác nguồn dược liệu đa dạng của nước ta, từ củ nghệ nếp, đến dây thìa canh, cây trinh nữ, gừng, cà gai leo, gấc…", ông Năng chia sẻ.
Chỉ ứng dụng công nghệ mới “vàng” hóa dược liệu
Người đàn ông đam mê khoa học say sưa kể về “đứa con” đáng tự hào mà ông mất ăn mất ngủ suốt gần nửa năm.
Với dây chuyền công nghệ do ông Trịnh Đình Năng sáng chế, nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sau khi được thu hái, làm sạch, sấy khô, sẽ được tách chiết, phân tích vi mô để phân loại rõ thành phần gây độc hại hoặc thành phần có tác dụng dược lý có thể ứng dụng.
Nhờ công nghệ tách chiết trong môi trường chân không, không áp suất âm giúp chiết xuất các thảo dược (như củ nghệ nếp, dây thìa canh, cây trinh nữ) giữ nguyên các hợp chất với hàm lượng cao vượt trội, đạt độ tinh khiết cao, 95-97%.
Công nghệ riêng biệt cũng làm xước bề mặt của các phân tử nano, bọc một lớp polyethylene glycol để khuếch tán triệt để trong nước, tăng tính thẩm thấu, hấp thụ nhanh khi xuyên vào màng tế bào và không có tính độc.
Công nghệ chiết xuất kích hoạt từ trường của máy trích ly công dụng bay hơi nhanh. Vật liệu bị hấp thụ từ trường, khi điều chế hạt nano có nhiễm từ, đi qua màng tế bào theo dạng sóng, tạo nên nano lượng tử. Những hạt nano kích thước siêu nhỏ, giúp cải thiện độ tan, tăng hấp thu tối đa hoạt chất vào máu.
Giá trị lớn nhất của công nghệ này chính là loại bỏ độc tính, tạp chất, trong khi lựa chọn được các hợp chất cần thiết, thúc đẩy và chuyển hóa nano các hợp chất hàm lượng cao. Chính công nghệ tối tân ấy cũng giúp các sản phẩm tạo ra điểm khác biệt, không dừng lại ở kích thước hạt nano mà đến từ chính chất lượng nội hàm của từng hạt nano đó.
Đơn cử, nhà sản xuất cho biết, để bào chế ra một viên “Trịnh Năng Dây thìa canh” với hàm lượng chiết xuất dược tính 150mg (nhỏ bằng hạt gạo) phải cần đến 10kg nguyên liệu tươi; hoặc 1 viên “Trịnh Năng Curcumin” cần đến 15kg củ nghệ nếp. Nếu dùng công nghệ truyền thống rất khó đạt được hàm lượng cao vượt trội 95-97% hoạt chất.
Nhờ cỗ máy công nghệ tối tân, ông Năng cũng hoàn thành một phần tâm nguyện có thể đóng góp phát triển quê hương. Hiện mỗi tháng, nhà máy của ông Năng đang thu mua hàng nghìn tấn nghệ cho bà con ở Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La… tạo việc làm cho hàng nghìn người và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương.