Chưa vào Nhà Trắng, ông Biden đã dọn đường cho người kế nhiệm?
Lựa chọn nội các khác biệt của ông Joe Biden nhiều khả năng mang lại lợi thế lớn cho phó tướng Kamala Harris nếu bà quyết định tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Thay vì lựa chọn những gương mặt nhiều tham vọng hay các đối thủ tranh cử vào nội các, ông Joe Biden đề cao những người giàu kinh nghiệm và trung thành. Điều này trái ngược so với cách tiếp cận của chính quyền Obama và Trump, nhưng lại là nền tảng tốt cho sự nghiệp chính trị của phó tổng thống đắc cử Kamala Harris trong tương lai, theo nhận định của Politico.
Nội các trung thành và giàu kinh nghiệm
Khác với những người tiền nhiệm, ông Joe Biden không đề cử các đối thủ tranh cử hay những người có ý thức hệ khác nhau vào các vị trí trong nội các.
Khi đắc cử, Tổng thống Trump đề cử ông Ben Carson và cựu Thống đốc Texas Rick Perry vào nội các. Cả hai đều là đối thủ cạnh tranh chính của ông trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016.
Những cá nhân có quan điểm khác biệt và thậm chí là từng chỉ trích ông Trump - như ông Mike Pompeo, ông Mick Mulvaney và bà Nikki Haley - cũng được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính quyền.
Ông Obama cũng có động thái tương tự khi bổ nhiệm đối thủ lớn nhất - bà Hillary Clinton - vào ghế ngoại trưởng ngay sau khi ông này thắng cử năm 2008. Các cựu Thống đốc Kathleen Sebelius, Janet Napolitano và Gary Locke - những người có quan điểm khác biệt - cũng được ông Obama đưa vào các chức vụ cao trong bộ máy liên bang.
Giờ đây, ông Biden có nước đi ngược lại: ông quyết định bổ nhiệm những cá nhân thân tín và trung thành với mình vào các vị trí quan trọng trong nội các.
“Ông Biden không tập hợp một nhóm những đối thủ, mà ông ấy tập hợp một đội. Điều đó làm ông khác với những người tiền nhiệm”, chiến lược gia của đảng Dân chủ Mary Anne Marsh bình luận.
Bà Marsh nói thêm: “Ông Obama từng có một nhóm các đối thủ với quan điểm khác biệt, và các tổng thống khác cũng vậy. Ông Biden lại muốn một nhóm quen mặt và từng làm việc với nhau. Họ có thể phối hợp tốt".
Nhiều cái tên được ông Biden lựa chọn càng làm rõ quan sát này.
Ông Ron Klain, một trong những cố vấn thân cận của ông Biden, được chọn vào vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng. Những nhân vật thân cận như ông Antony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia khi ông Biden còn là phó tổng thống, hay ông Jake Sullivan - cố vấn an ninh hiện tại - cũng được lựa chọn.
Ông Biden cũng không lựa chọn những cái tên quá mới cho nội các của mình. Những vị trí quan trọng trong chính quyền Biden như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng tài chính sẽ đều do những nhân vật kỳ cựu nắm giữ. Nhiều người trong số này từng làm việc trong chính quyền Obama.
Điều đó sẽ có lợi cho bà Kamala Harris, vốn không phải là người có nhiều kinh nghiệm chính trị ở cấp độ quốc gia. Phần lớn kinh nghiệm của bà đều ở cấp độ bang: bà từng là tổng chưởng lý bang California, rồi đắc cử thượng nghị sĩ đại diện bang này, sau đó được ông Biden chọn làm ứng viên phó tổng thống.
“Harris 2024”?
Ở tuổi 78, ông Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ cao tuổi nhất khi nhậm chức. Nếu ông không tranh cử tiếp một nhiệm kỳ nữa thì bà Kamala Harris khả năng cao sẽ trở thành người kế tục sự nghiệp.
Việc những ứng viên sáng giá trong cuộc đua của đảng Dân chủ năm 2020 - như bà Elizabeth Warren, bà Amy Klobuchar, ông Tom Steyer hay ông Beto O’Rourke - không tham gia nội các của ông Biden sẽ giúp bà Harris thuận lợi hơn để trở thành người dẫn đầu thực tế của đảng Dân chủ sau thời ông Biden.
Trang Politico dẫn lời một trợ lý thân cận cho biết bà Harris đang là “một phần không thể thiếu của quá trình chuyển tiếp quyền lực”.
“Bà Harris tham gia sâu vào việc lựa chọn bộ máy lãnh đạo, cũng như làm rõ phân chia trách nhiệm để cùng ứng phó chống đại dịch”, nguồn tin của Politico cho biết thêm.
Hiện nay, bà Harris chưa nhận được phân công cụ thể nào từ tổng thống đắc cử Joe Biden. Điều này khác với thời Obama, khi ông Biden nhanh chóng được ủy thác việc phục hồi nền kinh tế và giao tiếp với Thượng viện.
Sắp tới, bà Harris có thể tập trung vào bốn vấn đề lớn nhất mà chính quyền hiện tại đang đối mặt: sức khỏe cộng đồng, kinh tế, sắc tộc và môi trường. Song, các quan chức trong chính quyền Biden đều cho rằng điều đó không khiến bà mất đi vai trò là một “đối tác toàn diện cho mọi lĩnh vực” của tổng thống.
Từ những điều trên, không ít ý kiến cho rằng bà Kamala Harris đang được tạo cơ hội rất lớn để trở thành một phó tổng thống “phi truyền thống”. Bà có thể trở thành nhà “đồng lãnh đạo” đất nước với ông Biden. Nếu làm tốt, bà rất có khả năng trở thành ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ, đồng thời là nhân vật đáng gờm trong cuộc đua ghế tổng thống Mỹ.