Chữa viêm da cơ địa: Không đúng cách khiến bệnh nặng thêm, khuyến cáo từ bác sĩ da liễu
Khi mắc viêm da cơ địa, nhiều người thường sử dụng các dược liệu thiên nhiên để chữa vì nghĩ chúng có đặc tính an toàn, chi phí thấp. Mới đây một bệnh nhân viêm da cơ địa đã phải nhập viện do lấy nhựa cây xương rồng chữa bệnh.
Nhập viện do lấy nhựa cây xương rồng chữa viêm da cơ địa
Theo thạc sĩ, BSCKII Nguyễn Tiến Thành hội viên hội Da liễu Việt Nam, bệnh nhân Đ. V. T 60 tuổi ở Hưng Yên mắc viêm da cơ địa nghe mách bảo lấy nhựa cây xương rồng chữa nên bệnh càng thêm nặng.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi đi khám tại các bệnh viện da liễu, anh đều được chẩn đoán là viêm da cơ địa và được kê đơn thuốc chữa trị. Tuy nhiên, bệnh tình của anh vẫn tái đi tái lại nhiều lần, mặc dù đã dùng thuốc và có cải thiện.
Khoảng 2 tháng gần đây, tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tổn thương trên da lòng bàn tay bàn chân mọc rất nhiều mụn nước nhỏ như đầu đinh ghim, da chân da tay bong tróc rất nhiều, một số tổn thương còn nứt chảy máu… ảnh hưởng nhiều đến công việc và giấc ngủ.
Với mong muốn chữa khỏi bệnh viêm da cơ địa hoàn toàn, nên ai mách phương pháp nào anh đều thực hiện. Một lần khi đang lướt mạng xã hội, anh thấy có người đăng bài khẳng định tắm và ngâm chân với nước chè xanh 30 phút mỗi ngày, sau đó đắp nhựa của cây xương rồng, sẽ khỏi hẳn bệnh viêm da cơ địa. Người này còn mách rằng đã thực hiện và rất hiệu quả.
Tin lời chia sẻ nên anh T nhanh chóng làm theo. Nhưng chỉ sau 2 ngày thực hiện, anh bắt đầu cảm giác da ngứa nhiều hơn, phần da tiếp xúc với nhựa cây đỏ rát, nề…, mụn nước trước đây nhanh chóng hóa mủ.
Không bỏ cuộc, anh T. tiếp tục tăng thời gian ngâm 40-60 phút và lượng nhựa xương rồng vì nghĩ rằng thời gian ngâm chưa đủ. Sau khoảng 5 ngày, anh thấy xuất hiện những tổn thương loét, và mụn mủ rải rác, anh gần như không cầm được đũa khi ăn cơm vì 2 bàn tay nề đỏ…. Lúc bấy giờ, anh mới hốt hoảng và tìm đến chuyên gia da liễu.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành chia sẻ: "Trường hợp của anh T chẩn đoán là viêm da cơ địa bội nhiễm do dùng các phương pháp điều trị chưa đúng cách. Việc ngâm tắm lá cây và đắp nhựa xương rồng, khiến tổn thương hàng rào bảo vệ da, kết hợp với chăm sóc chưa phù hợp nên tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây bội nhiễm".
Viêm da cơ địa điều trị thế nào?
Thạc sĩ, BSCKII Nguyễn Tiến Thành cho biết, viêm da cơ địa là bệnh da mạn tính, bệnh hay tái phát nên gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong dân gian thường truyền tai nhau những phương pháp như ngâm, tắm nước lá cây khế, trầu không, lá chè... hay bôi nhựa cây xương rồng, đu đủ.
Theo đông y, các loại lá cây này có tính kháng viêm, giúp giảm tình trạng viêm trên da. Tuy nhiên, khi sử dụng có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố như: lượng cần dùng, mủ nhựa cây có độc không, thành phần gây dị ứng trong lá cây,....
Với tình trạng của bệnh nhân T, bác sĩ sẽ kết hợp điều trị thuốc bôi, kháng sinh, thuốc giảm viêm và kết hợp chiếu laser giảm nề. Sau khoảng 2 tuần điều trị tích cực tổn thương của bệnh nhân đã cải thiện nhiều: chân không còn sưng nề, chảy dịch, vùng da loét đã nên da non, không còn mụn nước, mụn mủ…. Tuy nhiên, anh T vẫn phải tiếp tục sử dụng dưỡng ẩm để hạn chế bệnh tái phát.
Qua trường hợp của anh T. thạc sĩ , BSCKII Nguyễn Tiến Thành khuyến cáo, bệnh nhân viêm da cơ địa cần chú ý:
- Dưỡng ẩm da ít nhất 2 lần/ngày: Sử dụng kem, mỡ hoặc dung dịch để dưỡng ẩm.
- Không nên ngâm, tắm lá cây, nước muối.
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ: Không nên dùng những loại xà phòng khử mùi và khử khuẩn vì chúng làm mất lớp dầu tự nhiên của da dẫn đến khô da.
- Rút ngắn thời gian tắm: Giới hạn thời gian tắm khoảng 10 đến 15 phút, nên dùng nước ấm, thay vì nước nóng.
- Lau khô sau khi tắm bằng khăn mềm và bôi kem dưỡng ẩm khi da vẫn còn đang ẩm ướt.
- Nếu bạn bị viêm da cơ địa khi thấy bệnh diễn biến nặng hơn thì nên đi thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý điều trị tại nhà. Nếu như bạn có bất thường lòng bàn tay: mụn nước, mụn mủ hoặc nứt da, chảy máu lòng bàn tay thì không nên tự ý điều trị, bạn nên đi khám sớm bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phác đồ điều trị phù hợp nhất.