Chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc tượng nghi là binh sĩ Trung Quốc
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, tại thời điểm kiểm tra (chiều 31-8), Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số tượng mà dư luận nghi là binh sĩ Trung Quốc.
Theo thông tin, những “tượng Trung Quốc” trên được ông Ngô Quang Phúc, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group, trụ sở tại TP Đà Lạt) mua lại từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương).
Ông Phúc cho biết, đã mua 230 tượng, trong đó đã vận chuyển về Đà Lạt được 60 pho. Thực tế cho thấy, có khoảng 60 bức tượng binh lính bị sứt mẻ, được tập kết tại một khu vực giống như nhà kho và được trùm bạt lại tại khu du lịch Quỷ Núi (Liên Minh Group). Các tượng này được chia theo 3 nhóm mang vũ khí: mặc quân phục toàn thân phủ màu nhũ vàng; quân phục có xe màu nhũ vàng và đỏ; mặc áo vải.
Ông Phúc khẳng định, toàn bộ tượng này đều là tượng binh sĩ Việt Nam thời phong kiến, quân phục trên áo giáp và khiên của tượng có hoa văn chim lạc in nổi, tương tự như trên trống đồng Đông Sơn
Chiều 31-8, bà Nguyễn Thị Nguyên - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng - cho biết đã kiểm tra số tượng mà nhiều người nghi là "tượng binh sĩ Trung Quốc" do Công ty CP Tập đoàn Liên Minh đưa về Đà Lạt.
Theo bà Nguyên, tại thời điểm kiểm tra, đơn vị sở hữu không xuất trình được giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc của những bức tượng.
Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng đã lập biên bản ghi nhận việc đưa tượng từ địa phương khác về Đà Lạt. Ngoài ra, đơn vị này đang tiến hành xác minh các nội dung: nguồn gốc tượng, mục đích sử dụng, các yếu tố văn hóa - tâm linh.