Chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ hè thu

Theo kế hoạch sản xuất năm 2022, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh là 85.000 ha. Mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp và PTNT đạt sản lượng lương thực năm nay 800.000 tấn. Trong đó, vụ đông xuân ước đạt 276.140 tấn, vì vậy vụ hè thu phải phấn đấu đạt 274.250 tấn. Để đạt kết quả tốt nhất, nông dân nên chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, đất đai để chủ động trong sản xuất…

Tiếp nối thắng lợi vụ đông xuân

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, đến trung tuần tháng 4/2022, nông dân các địa phương trong tỉnh đã và đang tranh thủ thu hoạch diện tích lúa đông xuân còn lại. Song song, bà con chuẩn bị các khâu chuẩn bị đất, điều kiện để xuống giống vụ mới. Khung thời vụ chung hè thu trên địa bàn tỉnh từ trung tuần tháng 4 đến ngày 30/6 kết thúc gieo trồng. Cụ thể, tổng diện tích cây lương thực là 48.130 ha (lúa 41.520 ha, bắp 6.610 ha); cây có bột 22.845 ha; cây thực phẩm 7.075 ha, gồm rau các loại 4.205 ha, đậu các loại 2.870 ha. Đơn cử tại HTX dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát (xã Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc) đang sản xuất khoảng 50 ha lúa. Thời điểm này, khi những ruộng lúa chín cuối cùng được thu hoạch, bà con phấn khởi chia sẻ, năm nay năng suất lúa đạt khá cao, bình quân 70 tạ/ha. Một trong những yếu tố chính là nhờ nguồn nước tưới dồi dào, thời tiết khá thuận lợi. Ông Trần Văn Hiệp - Giám đốc HTX Hiệp Phát cho biết, tiếp nối thắng lợi vụ đông xuân, thời điểm này các xã viên HTX đang tranh thủ làm đất, khoảng 10 ngày nữa bắt đầu xuống giống vụ mới để đảm bảo giãn vụ, hy vọng một mùa sản xuất mới thắng lợi…

Chuẩn bị đất để sản xuất lúa.

Còn ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, bước vào vụ hè thu, để đảm bảo thắng lợi, nông dân nên sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cấp nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Các giống lúa được phép sản xuất đại trà là ML 48, ML 202, ML214, ST25, các giống lúa OM của Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long được công nhận sản xuất phù hợp với vùng sinh thái tỉnh Bình Thuận... Nông dân cũng nên sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Song song, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để nâng cao năng suất lúa… Đặc biệt, sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân, phải tập trung vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ mới tổ chức gieo trồng vụ hè thu. Việc gieo trồng phải tập trung đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng để phòng, chống và hạn chế tối đa rầy nâu và dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.

Tính toán nguồn nước sản xuất

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cũng lưu ý, đối với những vùng chủ động nước, xuống giống tập trung từ 10/4 đến ngày 30/5. Đặc biệt lưu ý đối với các chân ruộng nước nhĩ quanh năm, cần chỉ đạo chặt chẽ thời vụ xuống giống, phải bảo đảm thời gian giãn cách ly ít nhất 20 ngày so với vụ trước. Riêng 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, một số vùng bố trí sản xuất vụ hè thu sớm để né lũ thì cần tính toán cân đối nguồn nước, thời vụ xuống giống phải tập trung, né rầy. Tùy theo điều kiện nguồn nước, dự báo rầy nâu di trú để triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, phù hợp cho từng khu vực, từng cánh đồng. Đối với các vùng chưa chủ động hoàn toàn nguồn nước tưới, các địa phương tùy tình hình nguồn nước tại chỗ và diễn biến thời tiết để bố trí lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng phù hợp. Riêng các cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng mới cây lâu năm xuống giống vào đầu mùa mưa, khi đất đủ ẩm.

Đặc biệt, những chân ruộng cao hoặc ruộng đã sản xuất 2 vụ lúa có thể chuyển sang sản xuất các cây trồng cạn như bắp, rau, đậu các loại để hạn chế dịch bệnh. Các địa phương và đơn vị chuyên môn cần thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp thủy lợi nội đồng để chủ động tiêu nước trong mùa mưa lũ và tích trữ nước khi vào mùa khô hạn. Cùng với đó, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi bảo vệ chặt chẽ nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, quá trình sản xuất, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão để ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đến ngày 12/4, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa là 130,58/362,37 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 36,04%. Hồ thủy điện Hàm Thuận còn 207,01/522,5 triệu m3, đạt 39,62%; hồ thủy điện Đại Ninh còn 98,56/251,73 triệu m3, đạt 39,15%.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuan-bi-cac-dieu-kien-de-san-xuat-vu-he-thu-96618.html