Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mang tính 'lịch sử', đánh dấu sự chuyển giao Chương trình GDPT 2006 sang Chương trình GDPT 2018.

Đại diện Sở GD&ĐT Đắk Lắk kiểm tra công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: Thành Tâm

Đại diện Sở GD&ĐT Đắk Lắk kiểm tra công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: Thành Tâm

Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, các tỉnh vùng Tây Nguyên tự tin tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và chất lượng.

Tạo đà tâm lý

Theo thầy Phan Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Mil (Đắk Nông), chuẩn bị cho kỳ thi, nhà trường chú trọng tạo tâm lý thoải mái để các em thể hiện tốt nhất năng lực, kỹ năng đã học trong 12 năm phổ thông.

Sở GD&ĐT 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã yêu cầu các trường rà soát, hướng dẫn gia đình có học sinh ốm đau, nằm viện… mà không thể dự thi làm thủ tục để được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy chế.

“Thời gian ôn thi, bên cạnh củng cố kiến thức, kỹ năng làm bài, thầy, cô giáo thường xuyên động viên, tư vấn tâm lý. Điều này nhằm mục đích cởi bỏ áp lực thi cử, giúp các em thoải mái, tự tin với vốn kiến thức, kỹ năng đã học khi vào phòng thi”, thầy Đức chia sẻ và cho biết, trước kỳ thi, các trường hợp ốm đau, gặp khó khăn, lãnh đạo nhà trường đều trực tiếp thăm hỏi, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất.

Chung quan điểm, thầy Phạm Quốc Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) cho rằng, khi tự tin, các em sẽ có sự sáng tạo trong cách thể hiện năng lực, kỹ năng làm bài thi. “Trước khi bước vào kỳ thi, nhà trường đã gặp mặt 500 học sinh để động viên, chia sẻ và hướng dẫn Quy chế thi. Tại đây, những băn khoăn đều được giải đáp và tư vấn, giúp các em thoải mái, tự tin”, thầy Quỳnh nói.

Còn theo thầy Dương Xuân Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Lắk), những năm trước, thầy cô phải vượt suối, băng rừng tìm đến tận rẫy để gửi giấy báo dự thi, động viên gia đình cho con em dự thi. Năm nay, qua rà soát, 100% gia đình cam kết đưa con đi thi và chưa gia đình nào báo gặp khó khăn.

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, động viên qua từng tiết ôn tập, vì vậy 234 học sinh lớp 12 đều cam kết sẽ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là thắng lợi lớn của ngôi trường ở vùng sâu, xa. Bởi trước đây, từng có trường hợp dù thầy cô tìm đến tận rẫy để vận động nhưng học sinh vẫn không dự thi”, thầy Vỹ tâm sự.

Chia sẻ về điều này, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, trước kỳ thi, sở đã hướng dẫn các trường chú ý tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho thí sinh. Bên cạnh đó, chuẩn bị kỹ năng làm bài, tạo môi trường thi thoải mái kết hợp động viên, khích lệ tinh thần và công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đắk Lắk kiểm tra khu vực bảo quản đề thi tại 1 điểm thi ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thành Tâm

Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đắk Lắk kiểm tra khu vực bảo quản đề thi tại 1 điểm thi ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thành Tâm

Bảo đảm phương châm “4 đúng”, “3 không”

Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và chất lượng, 5 sở GD&ĐT vùng Tây Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, điểm thi tích cực chuẩn bị về mọi mặt. Trong đó, công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi, thanh tra, kiểm tra, chấm thi được thực hiện đầy đủ, đúng Quy chế thi.

Chia sẻ của bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, công tác tổ chức kỳ thi phải đảm bảo nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế. Mỗi sơ suất dù nhỏ cũng có thể mang đến hệ lụy và tác động lớn với xã hội, ảnh hưởng tới mục đích, yêu cầu và chất lượng của kỳ thi. Chính vì vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra cần thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Mỗi cán bộ và giáo viên được giao nhiệm vụ thanh tra phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững nghiệp vụ, quy chế, thực hiện đúng quy trình thanh tra.

Ngoài ra, sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường tăng cường thông tin đến học sinh, cha mẹ chú ý thời gian nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp để giữ gìn sức khỏe, tuyệt đối không chủ quan. Khi học sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần báo ngay với nhà trường, thầy cô để kịp thời được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ, đảm bảo thể chất và tinh thần tốt nhất tham gia kỳ thi.

Tương tự, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho hay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 phải tuân thủ “4 đúng”, “3 không”. Vì vậy, qua các cuộc họp, tập huấn, sở đã quán triệt tinh thần này với các điểm thi, trưởng điểm thi để có sự chuẩn bị chu đáo, đúng tinh thần đề ra. Ông Hải cho biết thêm, tất cả điểm thi tại địa phương đã phun thuốc khử khuẩn, diệt muỗi nhằm chống dịch sốt xuất huyết vào ngày 24/6. 100% điểm thi đã lắp đặt camera giám sát an ninh theo đúng Quy chế thi.

Theo ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai, ngoài tập huấn, đơn vị đã tổ chức thảo luận, giải đáp những thắc mắc về Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024; kỹ năng phát hiện, phòng, chống gian lận thiết bị công nghệ cao; nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra thi. Qua đó, đảm bảo phương châm “4 đúng”, “3 không”.

Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tỉnh Kon Tum kiểm tra điều kiện ăn, ở của thí sinh trường nội trú. Ảnh: Dung Nguyễn

Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tỉnh Kon Tum kiểm tra điều kiện ăn, ở của thí sinh trường nội trú. Ảnh: Dung Nguyễn

Chăm lo cho thí sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) có 183 em dự thi, trong đó có 77 học sinh người dân tộc thiểu số. Nhằm đảm bảo thí sinh khó khăn, người dân tộc thiểu số có điều kiện tốt nhất hoàn thành kỳ thi, UBND huyện Kon Rẫy chỉ đạo các đơn vị và địa phương rà soát, hỗ trợ hơn 42 triệu đồng cho 84 học sinh.

Những ngày qua, bên cạnh công tác ôn tập phù hợp, Trường THPT Chu Văn An (huyện Kon Rẫy) còn tạo mọi điều kiện về thời gian, ăn uống, nghỉ ngơi để các em ôn thi một cách tốt nhất. Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Phan Thành Nhất đồng thời trao đổi: 89 học sinh của trường tham gia kỳ thi tại điểm thi Trường THCS - THPT Liên Việt (TP Kon Tum). Do đó, đơn vị chủ động liên hệ với điểm thi để bố trí 3 phòng ở cho khoảng 30 học sinh người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn.

Theo bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, với số lượng 1.464 học sinh khó khăn và học sinh dân tộc thiểu số các địa phương, đơn vị đã hỗ trợ hơn 576 triệu đồng. Với kinh phí này, phần nào động viên và khích lệ tinh thần các em cố gắng, hoàn thành tốt các môn thi.

Không để học sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn, các địa phương tại Gia Lai đã thống kê, hỗ trợ cho 1.612 em với tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng. Không những vậy, kỳ thi năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên các điểm thi được đặt ở thị trấn, xã vùng thuận lợi.

“Những học sinh ở khu vực khó khăn, địa hình hiểm trở được bố trí chỗ ăn, ở miễn phí nên đảm bảo an toàn, thuận lợi khi tham gia kỳ thi. Ngoài ra, lực lượng tình nguyện viên, cảnh sát giao thông luôn túc trực tại các điểm thi sẵn sàng hỗ trợ thí sinh ngủ quên, quên vật dụng, giấy tờ để các em hoàn thành kỳ thi suôn sẻ nhất”, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai Lê Duy Định cho hay.

Tại Đắk Lắk, sở GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm để hỗ trợ. Quan điểm của ngành là không để thí sinh nào vì khó khăn mà không dự thi. “15/15 huyện, thị xã, thành phố đã cam kết trích ngân sách hỗ trợ thí sinh khó khăn về chỗ ở, suất ăn. Đối với các em ở xa điểm thi được bố trí ở nội trú hoặc nhà trọ để thuận tiện đi lại. Công an, quân đội, đoàn thanh niên đều có phương án tiếp sức, hỗ trợ thí sinh trong suốt kỳ thi. Phương án đưa, đón học sinh khi có mưa lũ cũng đã sẵn sàng”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk nhấn mạnh.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) có 64.441 thí sinh đăng ký dự thi tại 146 điểm thi chính thức và hơn 100 điểm thi dự phòng.

Thành Tâm – Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-chu-dao-ky-luong-post689231.html