Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới
Trường THPT Lê Hồng Phong tranh thủ thời gian nghỉ hè bê tông lại sân trường. Ảnh: CÔNG TOÀN
Năm học 2021-2022 đang đến gần, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đã được các trường, phòng GD-ĐT và các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện, sẵn sàng cho năm học mới.
Nâng cấp đường, bê tông sân trường
Mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhưng khoảng một tháng qua, một số trường học vẫn tranh thủ thời gian nghỉ hè để xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất, mua trang thiết bị, tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học mới 2021-2022.
Những ngày qua, Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) cho thảm nhựa đoạn đường dài 167m, rộng 4m, nối từ đường liên xã vào cổng trường, với tổng kinh phí 130 triệu đồng. Cô Trần Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đoạn đường này trước đây đã được bê tông, nhưng sau một thời gian thì xuống cấp.
Nhiều đoạn nứt nẻ, học sinh đi lại dễ bị trượt bánh xe. Vì thế, trước khi bước vào năm học mới 2021-2022, nhà trường đã xã hội hóa nguồn kinh phí bằng cách vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cựu học sinh hỗ trợ triển khai công trình này. Hiện nhà trường tiếp tục vận động kinh phí để xây taluy hai bên để đoạn đường không bị sạt lở vào mùa mưa.
Ngoài thi công thảm nhựa đoạn đường trên, đầu tháng 7/2021, Trường THPT Lê Hồng Phong còn đầu tư bê tông lại khuôn viên sân trường với diện tích 1.143m2, độ dày 7 phân, giúp sân trường thoát cảnh đọng nước, ứ nước vào mùa mưa. “Công trình bê tông sân trường có tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa và nguồn chi thường xuyên của trường. Ngoài ra, mới đây, nhà trường còn vận động doanh nghiệp hỗ trợ xi măng làm đoạn đường bê tông nội bộ phục vụ đi lại giữa các khu trong trường và mua 40 máy quạt treo tường lắp thêm vào các phòng học để các em ngồi học mát mẻ, thoải mái”, cô Trần Thị Lệ Thủy nói.
Tại Trường tiểu học Hòa Trị 2 (huyện Phú Hòa), vào đầu tháng 6/2021, nhà trường xây dựng hạng mục tường rào, cổng trường, nhà vệ sinh. Công trình đến nay đã gần hoàn thành. Thầy Nguyễn Văn Lạc, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Trị 2, cho biết: “Nhà trường có điểm trường chính tại thôn Quy Hậu xây dựng trên 30 năm, nên cổng trường xuống cấp, tường rào chỉ kéo tạm lưới B40. Còn phân trường tại thôn Phước Khánh có 6 phòng học nhưng nhà vệ sinh lại xuống cấp. Hè này, ngoài xây dựng cổng và tường rào ở điểm trường chính, nhà trường còn sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh ở phân trường. Tổng kinh phí xây dựng và sửa chữa trên 1 tỉ đồng, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng của UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện và nguồn vốn chi thường xuyên của trường”.
Mua sắm trang thiết bị dạy học
Bên cạnh sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, năm học 2021-2022, Trường tiểu học Hòa Trị 2 sẽ đón gần 800 học sinh, tăng thêm 2 lớp học so với năm học 2020-2021. Năm học này, trường tận dụng phòng họp hội đồng và phòng y tế của trường để dạy học cho các em nên phải mua thêm 20 bộ bàn ghế học sinh, mua 5 máy vi tính để phòng máy và 4 tivi phục vụ dạy học cho học sinh lớp 2 học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Hòa Trình Ngọc Mẫn cho biết: “Việc nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua trang thiết bị dạy học thực hiện theo kế hoạch hàng năm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Kinh phí là từ nguồn ngân sách của huyện, Phòng GD-ĐT và nguồn chi thường xuyên của các trường. Trên cơ sở đó, từng cấp học, từng trường trên địa bàn huyện tùy theo khả năng để tu sửa phòng, lớp học, sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh, cảnh quan khuôn viên trường sao cho đảm bảo phục vụ cho năm học mới”.
Theo ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT, để chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, ngay sau khi kết thúc năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh chủ động xã hội hóa giáo dục và từ nguồn vốn chi thường xuyên của các trường để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phòng, lớp học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị dạy học… đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và duy trì trường đạt chuẩn quốc gia.
Đối với các trường từ mầm non đến THCS, nguồn kinh phí phụ thuộc vào phòng GD-ĐT, các địa phương và nguồn kinh phí chi thường xuyên của trường. Đến nay, dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng nhiều trường đã hoàn thiện việc sửa chữa, nâng cấp, sẵn sàng cho năm học mới.
Đến nay, dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng nhiều trường đã hoàn thiện việc sửa chữa, nâng cấp, sẵn sàng cho năm học mới.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/261463/chuan-bi-co-so-vat-chat-cho-nam-hoc-moi.html