Chuẩn bị điều kiện cần thiết triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 trên phạm vi toàn quốc. Chương trình GDPT mới có nhiều nội dung thay đổi so với chương trình giáo dục hiện nay. Phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Châu Tuấn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT về công tác chuẩn bị các điều kiện cho Chương trình GDPT mới trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thông tin khái quát về Chương trình GDPT mới sẽ được triển khai trong thời gian tới như thế nào?
Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Chương trình đổi mới GDPT được triển khai thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh theo đúng kế hoạch và lộ trình quy định tại Thông tư số 32 của Bộ GD-ĐT. Lộ trình cụ thể như sau: Từ năm học 2020 - 2021, thực hiện đối với lớp 1; từ năm học 2021 - 2022, thực hiện đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022 - 2023, thực hiện đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023 - 2024, thực hiện đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024 - 2025, thực hiện đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Chương trình GDPT mới còn có một số điểm mới như: phát triển năng lực, phẩm chất người học; có 2 giai đoạn giáo dục: giáo dục cơ bản lớp 1 đến lớp 9, giáo dục định hướng nghề nghiệp lớp 10 đến lớp 12; một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa; giáo dục tích hợp ở lớp dưới, phân hóa ở các lớp trên; chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng mở: chương trình thống nhất toàn quốc. Đồng thời, trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương lựa chọn, bổ sung nội dung và có kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tiễn của địa phương…
Phóng viên: Ngành GD-ĐT đã có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng Chương trình GDPT mới?
Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT đã chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88 NQ/QH của Quốc hội. Sở GD-ĐT cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Bộ GD-ĐT tổ chức; thực hiện rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới.
Sở đã xây dựng Kế hoạch hành động số 3041/KH-SGDĐT, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình GDPT mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành Quyết định số 14/QĐ-SGDĐT, ngày 9-1-2018 thành lập Ban Biên soạn Đề án Chương trình GDPT mới và có tờ trình gửi UBND đề nghị ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình GDPT mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND, ngày 2-8-2019 về thực hiện chương trình GDPT mới. Trong đó chú ý rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay; nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng việc thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình từ năm 2020 đến 2025 của Bộ GD-ĐT.
Để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình GDPT mới, sở quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh; tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng, các chuyên đề bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao năng lực giáo viên, chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới.
Về cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT quan tâm đến việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp. Tính đến đầu năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 499 trường công lập, với 1.015 điểm trường. Cùng với việc sắp xếp trường, lớp, sở đã tiến hành rà soát, đánh giá về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục; xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm, sửa chữa; phối hợp cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường phổ thông phục vụ cho nhu cầu chương trình GDPT mới, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học, ưu tiên đến các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đông học sinh dân tộc Khmer… Để đáp ứng việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình, về phòng học và các phòng chức năng khác cần phải tiếp tục đầu tư, xây mới theo nhu cầu của từng cấp học.
Phóng viên:Phóng viên: Đồng chí cho biết trong quá trình chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, những giải pháp trọng tâm nào được ngành GD-ĐT đề ra?
Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Xác định được điều này, sở đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, quản lý, giáo viên về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ttrong đó, giúp cán bộ quản lý, giáo viên hiểu đầy đủ về năng lực và phát triển năng lực trong dạy học, hướng tới việc học sinh sẽ "làm được gì" thay vì "học được gì" như trước kia. Từ đó, đổi mới cách tổ chức dạy học, giúp học sinh vận dụng kiến thức được học một cách linh hoạt, sáng tạo vào giải quyết tình huống thực tiễn. Xử lý đúng mối quan hệ giữa đầu vào kiến thức, kỹ năng và các yếu tố đầu ra: năng lực, phẩm chất, hành vi... Không chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp yêu cầu đổi mới mà đội ngũ cán bộ quản lý phải tiên phong với vai trò người dẫn dắt, điều hành, quản lý.
Để đảm bảo số lượng và cơ cấu giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới, năm 2019, sở tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, điều chuyển, tuyển dụng bổ sung giáo viên cấp học, môn học một cách hợp lí; rà soát tinh giản đội ngũ qua việc nghiêm túc đánh giá cán bộ, quản lý, giáo viên, có biện pháp xử lý và chuyển khỏi ngành đối với trường hợp không đủ năng lực và vi phạm đạo đức nhà giáo.
Tích cực triển khai tổng rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo lộ trình bồi dưỡng. Chỉ đạo tổ chức tốt các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên đề bộ môn cho cán bộ quản lý, giáo viên của các cấp học, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Trên cơ sở đánh giá chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên hàng năm, sở đã xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với tình hình thực tế địa phương đạt theo các tiêu chuẩn quy định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu chương trình GDPT mới. Chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đề xuất nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng các môn học theo chương trình mới, đào tạo giáo viên dạy tích hợp, giáo viên từng chuyên ngành để bổ sung theo dự kiến tăng qui mô trường, lớp, số giáo viên nghỉ hưu. Đồng thời, căn cứ theo lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới của Bộ GD-ĐT, đối với mỗi cấp học, cần tuyển chọn giáo viên phù hợp, thích ứng tốt cho việc đổi mới chương trình để dạy các lớp đầu tiên của lộ trình đổi mới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
H.Như (Thực hiện)