Chuẩn bị điều kiện để tái sản xuất sau dịch
PTĐT - Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi và người dân. Hiện nay, chủ trương chung của tỉnh là tạm thời không tái đàn, tập trung xuất bán đàn lợn đã đến tuổi để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tái sản xuất nhanh chóng sau khi hết dịch trên địa bàn tỉnh.
Trang trại của gia đình ông Bùi Đức Hùng ở khu 4, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao dù nằm giữa cánh đồng nhưng vẫn bị lây nhiễm bệnh DTLCP. Hơn 300 con lợn các loại đã bị tiêu hủy hết vào khoảng 2 tháng trước. Giờ này, tuy đã “trống” chuồng, song ông vẫn tích cực rải vôi bột và phun hóa chất khử trùng tiêu độc với mật độ 1 lần/tuần tại chuồng trại và khu vực xung quanh. Ông Hùng cho biết: Thịt lợn là loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nên dù thế nào thì chăn nuôi lợn vẫn sẽ phát triển. Vì vậy, dù phải tiêu hủy cả đàn lợn do dịch bệnh, trong đó có đàn nái nhưng sau khi hết dịch gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn, mua con giống của những đơn vị đảm bảo đầy đủ các quy định về sản xuất con giống. Nhưng trước tiên, cần phải tiến hành khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường chăn nuôi để đảm bảo không còn vi rút DTLCP khi tái sản xuất.
Cũng như gia đình ông Hùng, nhiều hộ chăn nuôi có quy mô từ 50 con trở lên ở các huyện, thành, thị cũng tập trung xử lý lại chuồng trại chăn nuôi để có thể bắt tay vào sản xuất một cách sớm nhất sau khi công bố hết dịch trên toàn tỉnh. Bà Bùi Thị Ngọc Hiền, chủ 1 trang trại chăn nuôi với quy mô trên 1.400 con lợn ở xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng cho biết: Theo kinh nghiệm chăn nuôi hơn chục năm nay của tôi thì việc tái đàn trong thời điểm này cần thực hiện cẩn trọng, bài bản. Con giống phải nhập ở cơ sở sản xuất giống uy tín, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có chứng nhận của cơ quan thú y đã được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Chuồng trại cũng cần được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi nuôi lứa mới.Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Con giống sau khi tách mẹ sức đề kháng kém, là đối tượng dễ bị nhiễm các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh DTLCP nên ngoài việc lấy con giống ở những nơi uy tín, có đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc, tiêm phòng, quá trình vận chuyển con giống từ cơ sở sản xuất đến trang trại cũng cần được thực hiện cẩn trọng, phương tiện được khử trùng để tránh nguy cơ mầm bệnh. Chuồng nuôi phải luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc cách ly, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài.Sau dịch, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn, phát triển chăn nuôi là cần thiết. Tuy nhiên, những biện pháp về kiểm soát con giống, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng như trên vẫn chưa đủ. Do bệnh DTLCP chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị, mầm bệnh do vi-rút dễ phát tán và lây lan, hơn nữa vi-rút này có thể tồn tại nhiều năm nên các hộ chăn nuôi lợn trong vùng đã công bố hết dịch có thể tạm chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi con khác một thời gian để cắt đứt môi trường lây truyền của bệnh sang lứa lợn mới, bảo đảm sản xuất an toàn bền vững. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên đợi đến khi công bố hết dịch trên toàn tỉnh mới thực hiện tái đàn. Theo quy định của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Đồng thời, cơ sở chăn nuôi đó phải đảm bảo việc áp dụng theo quy trình an toàn sinh học thì mới tái đàn, không tái đàn ồ ạt khi chưa đảm bảo về chăn nuôi an toàn sinh học.Đối với các xã đã công bố hết dịch, nếu người chăn nuôi có ý định tái chăn nuôi thì có thể tìm mua con giống tại các cơ sở, doanh nghiệp đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh hoặc tham gia chương trình giám sát dịch bệnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các doanh nghiệp như Công ty TNHH Minh Hiếu Phú Thọ, Công ty TNHH DABACO Phú Thọ, Công ty cổ phần chăn nuôi CP đáp ứng đủ các điều kiện để cung ứng con giống cho sản xuất. Ông Hoàng Hữu Nhất, cán bộ Công ty TNHH DABACO Phú Thọ cho biết: Toàn bộ đàn nái và đực giống của công ty đều được chăm sóc, tiêm phòng các loại vắc xin đầy đủ và đúng định kỳ. Khu vực chăn nuôi của công ty cũng được cách ly hoàn toàn với tác nhân bên ngoài nên đến thời điểm hiện nay tổng đàn của công ty vẫn đảm bảo an toàn. Đối với việc cung cấp con giống, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh mua con giống đảm bảo chất lượng để tái sản xuất.Để đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, ngăn ngừa khả năng tái phát dịch, đặc biệt là ở các xã đã công bố hết dịch, ông Lê Thanh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Người chăn nuôi trong vùng đã từng có bệnh dịch không nên tái đàn khi bệnh dịch vừa tạm lắng xuống, chăn nuôi ở Việt Nam có qui mô nhỏ, phân tán rộng nên việc khống chế dịch bệnh DTLCP cực kỳ khó khăn. Đối với các hộ muốn tái chăn nuôi, đề nghị trước khi tái đàn nên xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn, báo cáo với chính quyền địa phương để có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời vẫn phải tiếp tục siết chặt việc kiểm soát, kiểm dịch các phương tiện vận chuyển; quản lý giết mổ; tích cực khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung bởi đó là giải pháp tốt nhất để phòng chống và xử lý các loại dịch bệnh cũng là điều kiện đảm bảo cho tái sản xuất sau dịch.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201909/chuan-bi-dieu-kien-de-tai-san-xuat-sau-dich-166614