Chuẩn bị đón đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội vàng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nếu có kế hoạch chiến lược dài hạn, phù hợp. Riêng với Đồng Nai, tỉnh đang chọn lọc trong thu hút đầu tư, hướng tới những ngành nghề có hàm lượng khoa học, công nghệ cao và công nghiệp bán dẫn là một trong những mục tiêu quan trọng.

Trường đại học Lạc Hồng đang chú trọng chuẩn bị để đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Ảnh: V.GIA

Trường đại học Lạc Hồng đang chú trọng chuẩn bị để đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Ảnh: V.GIA

Địa phương đang tích cực, chủ động thu hút đầu tư, chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng nhu cầu trong tương lai của các đối tác.

Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam đang được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới quan tâm nhiều hơn. Trong đó, các tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Từ cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp (DN) hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Nvidia, các thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (Intel, Qualcomm, Ampere, ARM, Synopsys, Infineon) cũng đến làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư để tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam.

Đồng Nai hiện có nhiều khu công nghiệp, DN về công nghệ đang hoạt động, quy mô nguồn nhân lực lớn… Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác không chỉ là nơi trung chuyển hàng không quốc tế, mà còn giúp phát triển các lĩnh vực thế mạnh về logistics, thương mại công nghiệp. Đồng thời, là nơi trung chuyển, kết nối về dữ liệu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Tỉnh xác định phát triển công nghiệp bán dẫn là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế - xã hội chưa từng có. Do đó, việc phát triển hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, để đáp ứng nhu cầu của DN là rất quan trọng.

Box: Theo Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chính phủ (Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11-5-2022) thì công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển.

Tháng 10-2023, Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) đã làm việc với tỉnh về đề xuất triển khai các dự án trong lĩnh vực quang học, bán dẫn, cũng như khả năng đáp ứng nguồn lao động trên lĩnh vực điện tử, bán dẫn cho các dự án công nghệ cao. Rất nhanh, trong tháng 4-2024 vừa qua, 2 dự án của tập đoàn này tại các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch đã được Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án còn lại về lĩnh vực quang học tiên tiến, đo lường và sản xuất linh kiện bán dẫn của tập đoàn này đang được lên kế hoạch. Tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu của 3 dự án là 750 triệu USD, được chia ra các giai đoạn đầu tư theo lộ trình cụ thể, khi đi vào hoạt động dự kiến cho giá trị sản xuất đạt hơn 1,2 tỷ USD/năm.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, đối với Đồng Nai, dư địa cho thu hút ngành nghề công nghiệp truyền thống từ các đối tác nước ngoài sẽ không còn. Sản phẩm công nghệ xuất khẩu từ Đồng Nai hướng đến trong tương lai phải đi bằng đường hàng không. Yêu cầu hiện nay của tỉnh đối với các dự án đầu tư là phải có công nghệ cao, giá trị lớn, chiếm dụng ít tư liệu sản xuất nên việc chọn lọc đầu tư là vấn đề thường xuyên, cấp thiết.

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai

Để có thể đón nhận xu hướng dịch chuyển đầu tư và thu hút được ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, một trong những vấn đề rất quan trọng là chuẩn bị nguồn nhân lực.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với DN. Từ nhiều năm qua, tỉnh đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các nước đã thành công trong phát triển dạy nghề trên thế giới như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng Nai cũng đã thành lập Tổ Điều phối viên công nghiệp hỗ trợ từ năm 2017 để thúc đẩy kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và Nhật Bản…

Về phía các đơn vị đào tạo nhân lực chất lượng cao, trường đại học cũng rất chủ động tìm kiếm đối tác nhằm mở ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực này.

Tại trường đại học có quy mô đào tạo về ngành nghề công nghệ lớn nhất tỉnh là Lạc Hồng đã chủ động liên kết với các DN cho sinh viên tham quan, thực tập, thực hiện các đề tài nghiên cứu. Trong đó, trường có ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam về hỗ trợ đào tạo, tài trợ thiết bị liên quan đến điện tử, sản xuất chip bán dẫn, giúp sinh viên làm quen với quy trình sản xuất linh kiện bán dẫn chuyên nghiệp. Trường cũng liên kết với hơn 10 trường của Đài Loan nhằm trao đổi sinh viên, giảng viên nâng cao trình độ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Mở thêm chuyên ngành công nghệ kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn có sự hỗ trợ tư vấn của Trường đại học bang Arizona (Hoa Kỳ), bắt đầu tuyển sinh ngay trong năm 2024.

Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, trường đang triển khai ký hợp đồng với Tập đoàn Synopsys (Hoa Kỳ) tại Việt Nam để đầu tư phòng thí nghiệm vi mạch, dự kiến tháng 8-2024 sẽ hoàn thành. Tập đoàn này hỗ trợ đào tạo giảng viên để tiếp cận công nghệ và học hỏi các quy trình thiết kế vi mạch tại công ty trước khi mở các khóa đào tạo tại trường.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/chuan-bi-don-dau-tu-nganh-cong-nghiep-ban-dan-efd1de6/