Chuẩn bị giống thủy sản cho vụ nuôi mới

Để vụ nuôi thủy sản năm 2022 đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã sớm tập trung chỉ đạo hoạt động sản xuất và cung ứng giống, đảm bảo chất lượng, đúng mùa vụ. Trong năm 2021, hoạt động sản xuất và cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Để vụ nuôi thủy sản năm 2022 đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã sớm tập trung chỉ đạo hoạt động sản xuất và cung ứng giống, đảm bảo chất lượng, đúng mùa vụ.

Kiểm tra chất lượng đàn cá giống bố mẹ tại Công ty cổ phần Cá giống Nam Trực.

Trong năm 2021, hoạt động sản xuất và cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Các loại giống nhập vào tỉnh cơ bản được kiểm dịch, đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu nuôi thả của người dân. Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trong tỉnh đã quan tâm hơn tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng điều kiện sản xuất. Sản lượng giống thủy sản các loại sản xuất được trong năm 2021 ước đạt 14.800 triệu con, tăng 11,5% so với năm 2020. Trong đó, sản xuất giống nước ngọt được 1 tỷ con, chủ yếu là các loại cá truyền thống; một số đối tượng nuôi như lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan, ốc nhồi... đã được người dân sản xuất thành công, cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Sản xuất giống mặn lợ tiếp tục phát triển mạnh, tập trung tại các xã ven biển của các huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng với các đối tượng chủ yếu là ngao, hàu, tôm sú, cua biển, cá bống bớp... Một số cơ sở đã sản xuất thành công và xuất bán con giống ốc hương ra thị trường, đạt hiệu quả kinh tế khá tốt. Sau dịp Tết Nguyên đán 2022, thời tiết ấm áp nên các cơ sở sản xuất giống đã đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, tuyển chọn cặp bố mẹ sản xuất phục vụ cho vụ nuôi mới. Sau khi được xã tạo điều kiện cho đấu thầu đất, ông Hoàng Minh Thiện ở xã Xuân Vinh (Xuân Trường) đã đầu tư cơ sở vật chất để nuôi và sản xuất giống các loại cá nước ngọt. Khu ao nuôi thả cá của ông được thiết kế hiện đại đồng bộ với hệ thống cống bơm, tiêu nước liên thông, khép kín, ao và đáy được đổ bê tông. Ông Thiện cho biết, đến thời điểm này ông đã cải tạo, vệ sinh ao và nhập cá bột giống về để nuôi ương lên cá hương nhằm cung ứng con giống có chất lượng tốt nhất cho các hộ nuôi. Cơ sở sản xuất cá giống của anh Trần Vũ Hải ở thành phố Nam Định từ nhiều năm nay là một trong nhiều cơ sở sản xuất giống cá uy tín trên địa bàn tỉnh. Với quy mô ao nuôi rộng hơn 5 mẫu và gần 30 bể ương giống, cơ sở cung cấp ra thị trường các loại cá nước ngọt truyền thống, cá chép Koi cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… Anh Hải cho biết: Để bảo đảm con giống đạt chất lượng tốt, phục vụ cho vụ nuôi thủy sản năm nay, ngay từ tháng 10-2021, cơ sở đã bơm cạn, vét bùn đáy ao nuôi, dùng vôi bột để cải tạo, diệt cá tạp và phòng trừ dịch bệnh. Ngoài ra, bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ thất thoát cá. Thời vụ sản xuất chính của cá giống từ tháng 2 đến hết tháng 9 nên ngay từ trước tháng 2, cơ sở đã tổ chức phân loại các cặp cá bố mẹ và áp dụng chế độ ăn phù hợp theo từng loại cá. Bên cạnh các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt, các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ cũng tích cực chuẩn bị giống cũng như các điều kiện cho vụ nuôi thả mới. Anh Nguyễn Văn Lương ở xã Hải Phúc (Hải Hậu) có hơn 10 nghìn m2 với 14 bể và 7 ao phục vụ cho quá trình sản xuất giống hàu. Anh Lương cho biết, hàu là đối tượng khó sản xuất giống. Mỗi công đoạn đều yêu cầu kỹ thuật cao nên anh luôn cẩn thận, tỉ mỉ từ việc chuẩn bị các nguyên vật liệu, bể lọc nước để đảm bảo nguồn nước sạch trong quá trình sản xuất hàu giống, bởi nước sạch thì hàu giống mới khỏe mạnh.

Hiện nay, thời tiết đang rất thuận lợi, đây là thời điểm thích hợp để người nuôi trồng thủy sản khẩn trương lấy nước vào ao đầm và chủ động mua con giống để nuôi thả cho kịp thời vụ. Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, để vụ nuôi mới thành công, người nuôi trồng thủy sản cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi. Đặc biệt, người nuôi cần lựa chọn mua con giống ở địa chỉ uy tín, có giấy kiểm dịch chất lượng của cơ quan chức năng; chọn con giống bảo đảm các tiêu chuẩn như khỏe mạnh, bơi lội nhanh. Ngoài ra, người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp với từng đối tượng nuôi, giai đoạn nuôi; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; tập trung phát triển sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực như ngao, hàu, tôm nước lợ, cá bống bớp và các loại có giá trị kinh tế cao trong nuôi nước ngọt như cá trắm đen, cá lăng... nhằm đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiếp tục quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh nhất là giống tôm nước lợ, ngao; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống, đảm bảo cung cấp giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không mang mầm bệnh.

Với việc chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trong đó đặc biệt là nguồn giống thủy sản đảm bảo chất lượng, hy vọng rằng người nuôi thủy sản các địa phương sẽ có thêm vụ nuôi thủy sản bội thu, góp phần đạt mục tiêu năm 2022 phấn đấu toàn tỉnh sẽ sản xuất được khoảng 15.400 triệu con giống các loại; trong đó có 14.400 triệu con giống nước mặn - lợ và 1.000 triệu con giống nước ngọt./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202202/chuan-bi-giong-thuy-san-cho-vu-nuoi-moi-2549135/