Chuẩn bị hợp nhất hệ thống y tế 'siêu đô thị' gần 14 triệu dân

TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu họp bàn hợp nhất hệ thống y tế, phục vụ gần 14 triệu dân.

Sở Y tế TP.HCM vừa phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bình Dương và Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo lần thứ nhất nhằm đánh giá quy mô cung ứng dịch vụ y tế sau khi hợp nhất ba địa phương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hội thảo diễn ra dưới sự cho phép của UBND TP.HCM, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của ba Sở Y tế cùng chủ trì, cùng thảo luận để chuẩn bị cho việc hợp nhất hệ thống y tế, hướng đến mục tiêu đảm bảo phục vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho gần 14 triệu người dân trên toàn địa bàn hợp nhất.

Tại đây, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến việc tổ chức lại hệ thống y tế khi ba địa phương hợp nhất. Theo dự báo, sau khi hợp nhất, diện tích hành chính của TP.HCM sẽ tăng từ 2.095 km² lên 6.772 km², dân số tăng từ 9,9 triệu lên hơn 13,7 triệu người.

Điều này kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh cả về số lượng và phạm vi. Số lượng bệnh viện sẽ tăng từ 134 lên 174 bệnh viện, giường bệnh tăng từ 41.525 lên 49.147 giường, và số bác sĩ tăng từ 20.727 lên 24.629 người.

Tuy nhiên, các tỷ lệ nhân lực và cơ sở y tế trên đầu dân lại có xu hướng giảm: giường bệnh/vạn dân giảm từ 41,7 còn 31,3; bác sĩ/vạn dân giảm từ 20,8 còn 13,08; điều dưỡng/vạn dân giảm từ 37 còn 29 trong khi chỉ tiêu phấn đấu hiện nay là lần lượt 42, 21 và 39.

Nhu cầu khám chữa bệnh được dự báo sẽ gia tăng mạnh. Lượt khám ngoại trú có thể tăng từ hơn 42 triệu lên trên 51 triệu lượt/năm, lượt điều trị nội trú từ hơn 2,2 triệu lên hơn 3,8 triệu lượt/năm.

Với quy mô này, hệ thống y tế TP.HCM sau hợp nhất sẽ đảm nhận khoảng 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nguy cơ quá tải rất lớn cho các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM. Để chủ động ứng phó, ngành Y tế đề xuất mở rộng hệ thống theo mô hình cơ sở 2, cơ sở 3 của các bệnh viện đầu ngành tại các địa bàn mới thuộc tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đây không chỉ là giải pháp giảm tải cho TP.HCM mà còn là cơ hội để phát triển mô hình du lịch y tế, khai thác thế mạnh của từng địa phương trong hệ sinh thái mới.

Ngành Y tế TP.HCM cũng kiến nghị bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống y tế, hình thành thêm các cụm y tế chuyên sâu thứ 4 và 5 tại Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đồng thời, các chỉ tiêu nhân lực và cơ sở vật chất y tế cũng cần được đánh giá, điều chỉnh phù hợp với quy mô dân số mới, tránh tình trạng hụt nguồn lực nghiêm trọng trong giai đoạn đầu hợp nhất.

Một vấn đề được đặc biệt quan tâm là việc triển khai dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện. Hiện tại, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có hệ thống cấp cứu ngoại viện phát triển, vì vậy Sở Y tế TP.HCM giao Trung tâm Cấp cứu 115 chủ động khảo sát, lập kế hoạch mở rộng mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh đến hai tỉnh này để bảo đảm phục vụ người dân kịp thời và hiệu quả.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo về việc triển khai đề án nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM.

Với phạm vi hoạt động mở rộng, Trung tâm sẽ được củng cố cả về cơ sở hạ tầng lẫn năng lực chuyên môn để đảm nhiệm tốt vai trò phòng chống dịch bệnh và y tế cộng đồng cho toàn bộ khu vực hợp nhất.

Về công tác đầu tư công, tổng vốn đầu tư cho ngành y tế TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng từ 48.549 tỷ đồng lên 52.424 tỷ đồng, với tổng cộng 154 dự án (TP.HCM: 115; Bình Dương: 31; Bà Rịa - Vũng Tàu: 8). Giai đoạn 2026–2030, tổng mức đầu tư dự kiến đạt 65.134 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có 6 dự án được kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn còn một số dự án chậm tiến độ hoặc chưa được đưa vào sử dụng hiệu quả, đặt ra yêu cầu cần có giải pháp căn cơ trong quản lý và điều phối đầu tư công khi ba Sở Y tế hợp nhất.

Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy y tế TP.HCM sau hợp nhất, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo do Sở Y tế TP.HCM trình bày.

Theo đó, các phòng ban chức năng của ba Sở sẽ chủ động thành lập các tổ công tác chuyên môn để phối hợp, xây dựng và đề xuất các phương án cụ thể, bảo đảm không gián đoạn hoạt động và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

Dự kiến, Hội thảo lần 2 sẽ được tổ chức vào ngày 6/6/2025 với chủ đề “Các giải pháp cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Thành phố sau hợp nhất”. Đây sẽ là dịp để các tổ công tác trình bày giải pháp cụ thể, hoàn thiện kế hoạch triển khai và điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

Việc hợp nhất hệ thống y tế của ba địa phương không chỉ là bước đi chiến lược trong cải cách hành chính mà còn là cơ hội vàng để xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới phát triển vùng đô thị lớn mạnh hàng đầu cả nước.

Cũng liên quan đến việc sáp nhập cơ sở y tế, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố đến năm 2030”. Kế hoạch này xác định rõ định hướng tái cấu trúc hệ thống bệnh viện công lập, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển nhân lực y tế và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong ngành y.

Theo đó, thành phố sẽ tiến hành sắp xếp lại hệ thống bệnh viện công lập nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng khám chữa bệnh.

Cụ thể, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương sẽ được sáp nhập vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2025. Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội và Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông sẽ được hợp nhất thành Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, thời gian thực hiện dự kiến vào quý IV/2026.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ xây dựng đề án thành lập mới hoặc tổ chức lại các cơ sở y tế hiện có thành bệnh viện cơ bản tại bốn khu vực trọng điểm là Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm, góp phần phân bố lại hệ thống y tế một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo vùng.

Về đầu tư phát triển hạ tầng, thành phố giao các đơn vị liên quan đề xuất nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho bốn bệnh viện lớn gồm Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Các dự án này sẽ được triển khai trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn và cải thiện điều kiện khám chữa bệnh cho người dân.

Thành phố cũng đang lên kế hoạch xây dựng mới hai bệnh viện chuyên khoa là Bệnh viện Lão khoa và Bệnh viện Nhiệt đới. Việc lựa chọn địa điểm thực hiện các dự án này phải hoàn thành trước ngày 31/5/2025 và trình phê duyệt đề án trong quý IV/2025.

Cùng với việc tổ chức lại hệ thống bệnh viện và đầu tư hạ tầng, đề án còn tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng.

Thành phố đặt mục tiêu đảm bảo đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn vững vàng, y đức tốt, phân bố hợp lý giữa các tuyến và khu vực. Đồng thời, sẽ nâng cao chất lượng kỹ thuật chuyên môn trong khám, chữa bệnh thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ và chuẩn hóa quy trình chuyên môn.

Một trong những nội dung trọng tâm khác là chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực y tế, hướng tới xây dựng hệ thống y tế thông minh. Thành phố sẽ triển khai các ứng dụng theo dõi, cảnh báo, chăm sóc sức khỏe từ xa; thiết lập kết nối trực tuyến giữa người bệnh, thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.

Đặc biệt, bệnh án điện tử sẽ được đưa vào sử dụng đồng bộ tại các cơ sở khám chữa bệnh từ quý III/2025, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm tải thủ tục hành chính và tăng tính chính xác trong điều trị.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuan-bi-hop-nhat-he-thong-y-te-sieu-do-thi-gan-14-trieu-dan-d288790.html